Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Một số vấn đề về tâm lý sáng tác nghệ thuật trong điêu khắc - #01.

Lời giới thiệu: Đây là nội dung nghiên cứu khoa học của tôi, tức là Phan Xuân Hoà, nguyên giảng viên Điêu khắc Đại học Nghệ thuật Huế từ năm 2015 tới 2017. Nội dung gồm hai phần, phần một là "Tài liệu cơ sở Lý thuyết về nguyên lý bố cục nghệ thuật Điêu khắc" và phần 2 là "Tài liệu hướng dẫn Zbrush chi tiết". Tôi xin trích lần lượt đăng lên đây (lược bỏ các đầu  mục chương hồi cho gần gũi với bạn đọc) để phục vụ các bạn nào muốn đọc và nghiên cứu về nghệ thuật nói chung và phần mềm Zbrush nói riêng. Mong các bạn đón đọc và cho ý kiến.

--------------------------------------------

Sáng tác nghệ thuật là một công việc đặc biệt.

Công việc sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật là một công việc đặc biệt. Vì vậy những tác phẩm nghệ thuật cũng là những sản phẩm đặc biệt.

Vậy những gì đã kết tinh trong sản phẩm nghệ thuật này, mà chúng lại có những tính chất đặc biệt như vậy. Thông thường, một sản phẩm trong xã hội khi được sản xuất ra, giá trị của nó được tính bằng giá trị của chính sức lao động của người sản xuất ra nó. Khi ra thị trường, giá trị của nó được cộng thêm với giá trị sử dụng mà tạo nên giá cả. Từ đây trở đi, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng thị trường mà giá cả sẽ lên xuống xung quanh giá trị của nó. Nhưng với một sản phẩm nghệ thuật, ngoài những quy luật thông thường nó còn có nhiều giá trị đặc biệt mà người thường khó có thể nhận chân.

Nghệ thuật tạo hình có hai mảng sản phẩm có tính chất khác nhau.

Trong sản phẩm của nghệ thuật tạo hình lại chia làm hai mảng.

Mảng thứ nhất là nghệ thuật phục vụ cho cuộc sống chung của xã hội. Sản phẩm của chúng do chính những người lao động bình thường làm ra phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của những người lao động bình thường  trong xã hội. Sau những giờ làm việc căng thẳng, muốn tụ tập nhau uống trà đối ẩm bên những bộ bình trà độc đáo, với những hoa văn trang trí đẹp đẽ…

Tương tự như vậy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra đời để phục vụ nhu cầu của con người, đó là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc tính khác với các tác phẩm nghệ thuật là chúng được nhân bản rất nhiều, mất đi tính cá nhân, riêng lẻ, và đặc biệt là do nghệ nhân (những thợ làm nghề truyền thống lâu năm) và các thợ thủ công mỹ nghệ làm ra.

Chúng có sứ mạng riêng, đó là cuộc sống hóa nghệ thuật. Nghĩa là cố gắng đưa cuộc sống bình thường hiện tại tiệm cận dần với các giá trị Chân Thiện Mỹ. Trong chừng mực phát triển với một quy mô nào đó, nó tạo thành những dòng văn hóa dân gian trong xã hội, phục vụ cho nhu cầu thưởng thức văn hóa của đại đa số người dân trong xã hội.

Mảng thứ hai chính là các tác phẩm nghệ thuật. Chúng có những tính chất độc bản, có chất lượng nghệ thuật rất cao và mang đầy cá tính. Những tác phẩm này do các nhà sáng tác nghệ thuật chuyên nghiệp như các nhà điêu khắc, họa sĩ sáng tạo ra.

Trong thượng tầng kiến trúc của xã hội, nghệ thuật là một phần quan trọng của văn hóa, bao gồm nhiều lĩnh vực, mà tất cả chúng đều có sự thôi thúc năng lực và tính sáng tạo của con người.

Những lĩnh vực nghệ thuật chính yếu bao gồm:

-          Nghệ thuật văn chương (thường gọi là văn chương – bao gồm thơ, tiểu thuyết, và truyện ngắn) và những hình thức khác tương tự.

-          Nghệ thuật trình diễn (trong đó có âm nhạc, múa, ảo thuật, kịch nghệ và điện ảnh).

-          Nghệ thuật thị giác (bao gồm kiến trúc, điêu khắc và hội họa).

Việc nghiên cứu tính chất của các loại hình nghệ thuật đã được tiến hành từ thời cổ đại. Nhà nghiên cứu nghệ thuật người Đức Max Dessoir (1867 - 1947) phát hiện ra là vào thời "hậu Aristote" người ta đã tách ra 6 loại hình nghệ thuật và căn cứ vào tính chất của chúng xếp thành hai nhóm. Nhóm nghệ thuật tĩnh gồm có kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Nhóm nghệ thuật động (ngày nay gọi là Nghệ thuật trình diễn): gồm có âm nhạc, thơ và múa. Sau này Friedrich Hegel (1770 - 1831) trong "Những bài giảng về Mỹ học", theo một hướng nghiên cứu khác, đã xếp 6 nghệ thuật trên thành hai nhóm:

Nhóm một có kích cỡ vật thể nhỏ dần, gồm: Kiến trúc, điêu khắc và hội họa.

Nhóm hai có khả năng biểu hiện (biểu cảm nghệ thuật) tăng dần, gồm: Âm nhạc, thơ và múa. Điện ảnh chính là ngành nghệ thuật thứ 7 ra đời vào đầu thế kỷ 18. Và phát triển mạnh cho tới tận ngày nay. Như vậy, điêu khắc cùng hội họa đã tồn tại rất lâu từ khi bắt đầu xuất hiện nền văn minh loài người. Trong bảng sắp xếp nào nó cũng đứng hàng thứ hai sau kiến trúc và trên hội họa. Như vậy tầm quan trọng của điêu khắc có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống văn minh nhân loại. (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...