Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

Cân bằng thị giác với không gian ba chiều.

Cân bằng thị giác với không gian ba chiều.

 Trong một tác phẩm nghệ thuật, sẽ phải có hai giá trị tồn tại trong đó. Thứ nhất là giá trị nội dung hàm chứa về xã hội, hay giá trị nhân văn của tác phẩm. Thứ hai là giá trị về hình thức nghệ thuật, tức giá trị về ngôn ngữ đặc thù của loại hình nghệ thuật biểu hiện. Nếu cả hai giá trị được cộng hưởng và tương tác với nhau, giá trị chung của tác phẩm sẽ thăng hoa. Một pho tượng tình yêu đẹp đẽ êm đềm, mà lại dùng những khối cực kỳ khô cứng, vuông thành sắc cạnh, thì giá trị chung của tác phẩm cũng có thể giảm đi phần lớn. Nếu đang diễn tả một không khí vui tươi, ồn ào của một lễ hội nào đó mà lại thể hiện theo tính chất khối trang nghiêm, cân đối thì không thể có sự hòa hợp giữa hai giá trị. Về mặt biểu hiện hình thức nghệ thuật, có một yếu tố mang tính quyết định mà ta cần phải chú ý đặc biệt. Đó là tính cân bằng trong bố cục.

Trong cuộc sống, sự chuyển động phải là một không gian 3 chiều gắn với một khoảng thời gian nào đó. Nếu không có thời gian, cũng sẽ không có sự chuyển động.

Nhưng trong nghệ thuật điêu khắc, đề cập đến tính chuyển động của một tác phẩm loại hình điêu khắc, hay là cách dùng hình thức ngôn ngữ khối biểu cảm để hỗ trợ sự liên tục, chuyển động của các giá trị thông điệp ẩn chứa trong tác phẩm. Tức là hỗ trợ làm rõ giá trị nội dung ám chỉ có một sức sống đang tồn tại và chuyển động.

Mặt khác, điêu khắc tạo hình là một loại nghệ thuật thị giác. Tức là một loại hình nghiêng về ngôn ngữ hình tượng, tồn tại trong một không gian nhất định, thiếu vắng yếu tố thời gian thực. Vì vậy, trong sự chuyển động nội tại của mình, vẫn phải bắt buộc nằm trong một sự cân bằng nào đó của hình thể, mới có thể tồn tại hợp lý trong một không gian điêu khắc ba chiều.

Trong quá trình nghiên cứu lịch sử phát triển của mỹ thuật, giới nghiên cứu đã đúc kết và tổng hợp thành một số lý thuyết về bố cục nghệ thuật. Đã có rất nhiều các quy luật, quy tắc, rồi nguyên tắc nhằm hệ thống và lý thuyết hóa để các hậu sinh có thể tạm thời làm nền tảng vững chắc, đỡ mất đi nhiều thời gian quý báu trên con đường mò mẫm sáng tác nghệ thuật. Sau khi đã đứng vững trên nền tảng với những hệ thống quy luật bố cục của những người đi trước, mới có thể tìm ra con đường đi riêng cho mình.

Để dẫn về sự cân bằng trong cuộc sống, ta thấy có hai sự cân bằng theo dạng sau đây:

- Cân bằng tĩnh.

- Cân bằng động.

Sự cân bằng tĩnh, là hình ảnh của cái cân đĩa (hình 2.38). Nó cân bằng được là nhờ trọng lượng hai bên bằng nhau, và sự liên tưởng qua tác phẩm là hình dạng thị giác phải có sắp xếp khối mảng thế nào đó đối xứng qua một trục, hoặc mặt phẳng giữa bố cục. Sự cân bằng này xảy ra khi hai bên có sự đăng đối và bằng nhau về khối mảng.

Nhưng do tính biến hình phong phú đa dạng, chúng còn có những biến thể như đăng đối tương đối, đối xứng qua tâm, đối xứng qua trục ngang…

 Sự cân bằng thứ hai là hình ảnh và tính chất của chiếc cân móc (hình 2.39). Ở đây, sự cân bằng xảy ra mặc dù hình dạng hai bên không bằng nhau. Ta nhận thấy bố cục có sự cân bằng vật lý, tức là khối mảng hai bên hoàn toàn không tuân theo bất cứ một quy luật đối xứng nào, nhưng vẫn có thể cảm nhận được chúng cân bằng theo nguyên lý đòn bẩy. Giới chuyên môn gọi đó là bố cục phá thế, hình mảng không đều nhau, hay cân bằng ẩn… Nhưng có lẽ gọi chính xác hơn phải là cân bằng động. Có nghĩa là nó có tính chuyển động về biểu hiện hình thức, do sự sắp xếp tập hợp các hình dạng thị giác mất cân đối nội tại. Trong khi đó, hình dạng toàn bố cục vẫn đang có xu hướng cân bằng ở dạng tâm lý hay vật lý, hoặc cả hai.

Trong thực tế có rất nhiều minh chứng về sự tồn tại của dạng cân bằng động này. Một con mèo rơi từ trên cao xuống, nó luôn luôn tạo được thế cân bằng khi rơi (hình 2.40). Một con người đang thực hiện động tác chạy, trong bất cứ ở thời điểm nào của động tác chạy, hình thể con người luôn ở thế cân bằng động (hình 2.41 và hình 2.42). Khi chạy, lúc ở tư thế ngả người về trước, trọng tâm dồn về trước, bắt buộc chân tự do phải đưa lên đỡ trọng tâm. Và trọng tâm luôn được giữ ở khoảng giữa hai bàn chân theo sự điều chỉnh tự động của các cơ quan cân bằng tự động trong cơ thể người. Người xem cảm thấy an toàn khi thế cân bằng được xác lập. Ngay cả thời điểm toàn thân trên cao, dù đang ở dáng động (chạy) ta vẫn thấy một sự thăng bằng thỏa mãn cả về tâm lý (vận động viên không thể ngã) và vật lý (hình dạng thị giác rất cân bằng, không bị lệch trục).

 

 

Hình 2.40.

 


Hình 2.41.

 


 Hình 2.42.

 


 
Hình 2.43.


Nếu ta đang thực hiện sáng tác trên máy tính, sự quán xuyến về vấn đề này khá dễ dàng. Nhờ những sự hỗ trợ tích cực của các thiết lập trong phần mềm 3D (Zbrush), ta có thể kiểm tra, sửa chữa các khối mảng tổng thể rất nhanh chóng. Thậm chí ta có thể tìm ra ngay trọng tâm của tổng thể tổ hợp các khối có trong bố cục để có thể đánh giá cân bằng khối. Qua đó gia giảm hoặc tăng thêm khối. Điều này trong thực tế là rất khó. Chỉ có thể được đánh giá bằng kinh nghiệm thực tế và cảm nhận theo bề dày kinh nghiệm sáng tác.

Như vậy cân bằng tĩnh, chính là các quy luật như đối xứng tuyệt đối hay đối xứng đăng đối, đối xứng qua tâm, đối xứng qua đường trục. Trong điêu khắc còn có thêm đối xứng qua một mặt phẳng, hoặc diện nào đó. Ngoài ra còn có đối xứng tương đối, tức là trong tổng thể chúng có vẻ như tuyệt đối, nhưng có một vài chi tiết hai bên có vẻ không giống nhau. Quy luật này hay được dùng nhiều kiến trúc miếu mạo, đình chùa, hoặc cung điện lăng tẩm. Bởi tính tĩnh lặng uy nghiêm, mang đầy tính chất thần bí tâm linh.

Còn cân bằng động thỏa mãn được tính sáng tạo, luôn luôn đổi mới của hầu hết các nghệ sĩ sáng tác, nên chúng thường được sử dụng nhiều hơn. Sự biến hình của quy luật cân bằng động hết sức phong phú. Hầu như không tác phẩm nào giống tác phẩm nào từ khi lịch sử mỹ thuật phát triển tới nay. Sự biến hình của quy luật cân bằng động này phong phú đến mức có thể nói như một viên gạch ném lên trời, và khi rơi xuống đất, không bao giờ thiếu điểm cho nó tiếp đất. Chính vì vậy, sự sáng tạo mới lạ luôn đi cùng nghệ thuật tạo hình cho đến khi nào không còn tồn tại xã hội loài người. Con người còn tồn tại, xã hội còn tồn tại, nghệ thuật tạo hình sẽ còn mãi sự sáng tạo với biểu hiện mới lạ, độc đáo của từng tác phẩm nghệ thuật.

Cân bằng còn có tính tâm lý. Nếu ta sắp xếp một bố cục dù có chặt chẽ cân bằng đến đâu về mặt hình dạng thị giác, ví dụ như đăng đối tuyệt đối về hình dạng. Nhưng khi ta thể hiện chi tiết là những cơ thể người lộn ngược, đầu xuống đất, chân lên trời... Hoặc cung cấp một số liên tưởng và đối chiếu bị ngược so với kinh nghiệm thực tế, thì người xem vẫn có cảm giác bố cục không cân bằng.

Hình 2.44: Quần thể tượng đài gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ  quyết thắng biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hòa bình và quyết tâm giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng và bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6 m kết cấu bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Tượng đài được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và là một trong những tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Đây cũng là một bố cục tuân theo quy luật cân bằng động. Ta không thể thấy chúng đối xứng nhau qua bất cứ một điểm hoặc trục, diện nào. Khối mảng được phát triển cả ba chiều. Nhưng một điều thấy rõ, trọng tâm của tượng không hề rơi ra ngoài khối tượng. Bởi trong cụm tượng đã có một quy luật riêng lấy trọng tâm. Các khối bên phải, khi lá cờ vươn lên cao và hướng sang phía phải, sẽ có xu hướng làm mất cân bằng tượng. Làm tượng sẽ đổ về phải. Nhưng tác giả đã khôn khéo kéo thêm chi tiết là em bé ngồi trên tay người chiến sĩ, khiến trọng tâm cụm tượng được kéo trở lại vào bên trong.

Nhưng quan trọng là sự phát triển của hai chi tiết em bé và lá cờ không đối xứng với nhau. Mà một bên lá khối lá cờ đi lên, một bên là khối em bé được phát triển theo chiều ngang sang bên trái. Kích thước của cả hai khối vừa đủ để tạo cân bằng về tâm lý và hình dạng thị giác của bố cục. Trên thực tế, từ bước thực hiện ý tưởng tới các bước xây dựng hoàn chỉnh cuối cùng, trải rất nhiều công đoạn, tốn kém rất nhiều công và sức của một đội ngũ chuyên nghiệp. Nếu thực hiện trên máy tính từ những bước đầu tiên tới bước hoàn chỉnh, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc công sức. Vì các phần mềm 3D trên máy tính, sẽ hỗ trợ giả lập và mô phỏng tất cả mọi thứ như ngoài hiện trường. Ta có thể đánh giá và phê duyệt chúng ngay trên máy tính với hiệu quả ngang bằng ngoài hiện trường với kích thước bằng thật. Phần mềm 3D (Zbrush) cho ta mô phỏng mọi chất liệu, môi trường, khung cảnh giống hệt ngoài thực tiễn. Có nhiều công cụ hỗ trợ đưa cụm tượng vào trong khung cảnh thật ngay trên máy tính với nhiều chiều khác nhau. Tạo phối cảnh như góc độ nhìn bên ngoài hiện thực.

Tóm lại, với một bố cục sáng tác, trong khi sắp xếp các khối mảng, ta có thể phân thành hai quy luật bố cục khác nhau. Quy luật cân bằng tĩnh và cân bằng động. Cân bằng tĩnh, bao gồm các loại đối xứng tuyệt đối, bao gồm loại đối xứng qua tâm, qua đường thẳng (trục), qua diện (hoặc mặt phẳng). Đối xứng tương đối có sự khác biệt về chi tiết giữa hai bên nhưng không phá vỡ tổng thể đăng đối.

Cân bằng động, bao gồm đa dạng các kiểu sắp xếp hình dạng thị giác trong mỗi bố cục sáng tác. Chúng là tiền đề khởi thủy cho các giá trị tác phẩm mang dấu ấn cá nhân về biểu hiện hình thức, phong cách cho mỗi tác phẩm nghệ thuật. Từ các quy luật về cân bằng, chúng ta sẽ xây dựng một số hệ thống những nguyên tắc hay quy tắc bố cục để cân bằng về nội dung và hình thức tạo điều kiện cho các kinh nghiệm cảm xúc thẩm mỹ được phát sinh và sống động.

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Bài thứ #3: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trúc mô hình… Chiêu sinh khoá học thường xuyên, linh động theo quỹ thời gian của bạn, được hỗ trợ suốt đời sau khoá học

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Chuyển động thị giác với không gian 3D

2.6. Chuyển động thị giác với không gian 3D trên máy tính.

Chuyển động thị giác trong bố cục tạo hình, suy cho cùng đó là chuyển động thuần túy tâm lý. Với một chuyển động thật ngoài thực tại, ta có thể diễn tả lại được chúng trên một hệ tọa độ bốn chiều. Ngoài hệ tọa độ ba chiều và thêm chiều thứ tư là thời gian để mô tả thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc chuyển động. Nhưng trong một bố cục sáng tác, không hề có khái niệm thời gian. Vì vậy khái niệm của chuyển động trong bố cục chỉ là một khái niệm thuần túy tâm lý. Chúng tùy thuộc vào sự liên tưởng của mỗi cá nhân để mô phỏng lại, liên tưởng đến, và kinh nghiệm thực tại để quyết định tới khái niệm này có tồn tại hay không trong một bố cục.

Ngoài các tác phẩm nghệ thuật, tâm lý này còn tồn tại khá rõ nét trong cuộc sống xã hội con người. Vì đặc tính của nó thuộc về tâm lý, nên nó tồn tại ở cả hai loại tâm lý, đó là kinh nghiệm trong cuộc sống, và tâm linh qua thời gian trải dài suốt lịch sử tồn tại của con người.

  


Hình 2.26b.Mái hình đao của chùa chiền, đình miếu...

 

Về mặt tâm linh, hình ảnh kiến trúc mái đầu đao quá sức quen thuộc của đình chùa miền Bắc Việt Nam, minh chứng sự chuyển động tâm linh này tồn tại khá rõ trong cuộc sống chúng ta từ lâu. Đây là một chi tiết có kết cấu kiến trúc hoàn chỉnh trong một tổng thể kiến trúc. Chắc hẳn không phải tự nhiên chúng có cấu trúc đầu đao đó. Các miếu mạo đền chùa phía miền trong cũng có hình dạng tương tự (hình 2.26b).

Quan niệm của cha ông ta từ ngày xưa đến nay, mọi kết cấu đường thẳng chiếu trực diện vào nhà, bất kể hướng nào, sẽ tạo một chuyển động thường xuyên tác động vào nhà và gây ảnh hưởng xấu (về tâm linh) cho những người sống trong căn nhà đó. Cũng giống như một cảm giác bất an khi trước mắt mình lúc nào cũng có một cây bút chì nhọn thường xuyên chĩa vào mắt mình. Kinh nghiệm tâm lý sẽ cho rằng, có thể bất cứ lúc nào cây bút chì đó sẽ chuyển động và đâm thẳng vào mắt mình. Hiệu quả tâm lý sẽ giống hệt nhau trong cả hai trường hợp với cây bút chì. Và trong cả hai trường hợp này, người ta phản ứng đều giống nhau, tức là phải vứt cây bút chì đi hay dùng giải pháp gì đó tương tự để cây bút chì không phát tác được hiệu ứng tâm lý. Như vậy rõ ràng mái đầu đao của các đình chùa đã giải quyết được triệt để vấn đề này. Các đường thẳng của các kèo cái chính trên mái, và các góc cạnh của mái đã được chuyển hướng không đi thẳng nữa, mà chuyển thành đường cong hình lưỡi đao hướng lên trời. Do vậy sẽ tránh được tác hại cho các khu nhà lân cận lỡ bị các đường thẳng đó chiếu vào.

Còn trong cuộc sống, nếu đối diện một hình ảnh bao gồm có hình tròn nằm trên cùng một đỉnh dốc, lập tức ta sẽ liên tưởng tới một chuyển động của một bánh xe bắt đầu lao xuống dốc. Rõ ràng là xã hội đã có kinh nghiệm thực tại về sự chuyển động thật sự của một hình dạng thị giác nào đó mà không bao gồm yếu tố thời gian trong đó.

Đây là tiền đề quan trọng cho những bố cục sáng tác nhằm chuyển tải được thông điệp của chính tác giả tới người xem. Bởi vì bản chất của một tác phẩm nghệ thuật là chuyển đi một thông điệp có chủ đề rộng và bao trùm tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống con người. Những thông điệp này phải thực sự sống động, không những trong hiện tại và còn cả trong tương lai để bảo toàn sứ mạng mà nó nhận lãnh. Sự sống động theo kinh nghiệm thực tại của con người thì chúng phải có yếu tố chuyển động. Cái gì không chuyển động, cái đó chết. Bố cục tác phẩm lại hoàn toàn là những hình dạng thị giác hai chiều, ba chiều thuần túy không có sức sống. Vì vậy làm sao để biến tất cả những hình dạng thị giác đó trở thành sống động, một hình tượng nghệ thuật. Công việc sáng tác đòi hỏi một vốn sống, một trải nghiệm lâu dài của nghệ sĩ tạo hình…

Mỗi nghệ sĩ khi sáng tác đòi hỏi phải tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo ra những bố cục bao gồm nhiều tập hợp hình dạng thị giác có tính chất điển hình nhất, chung nhất, gần gũi nhất khiến cho nhiều người có thể liên tưởng và dùng kinh nghiệm của chính họ để trải nghiệm và cảm thụ tác phẩm. Trong lịch sử mỹ thuật từ trước đến nay, có lẽ con người là đối tượng được miêu tả và là đề tài sáng tác nhiều nhất của các nghệ sĩ sáng tác. Có lẽ là nguyên nhân này chăng, vì đã là con người thì phải sống, là con người thì phải chuyển động trong bất kỳ hình dạng, động tác nào… Dù ở thế dạng nào, người ta cũng có thể liên tưởng tới các động tác sắp diễn ra theo kinh nghiệm của mình.

Ngoài ra, khi kinh nghiệm trong thiên nhiên của con người cũng giúp người sáng tác dễ dàng tạo ra các hình tượng dễ liên tưởng tới sự chuyển động. Như hình ảnh một cơn sóng dữ, một trận cuồng phong làm rung cây đổ cành… Những họa tiết hoa lá chim thú, cũng một phần nào đó gây hiệu quả chuyển động bởi chúng đã quá quen thuộc với con người. Một cái lá giữa không trung cũng có sự lay động của một cơn gió nhẹ nhàng nhất. Các hiệu ứng gây nhận thức về chuyển động thị giác của đường, nét, khối đã được rất nhiều tác giả trong giới nghiên cứu phê bình mỹ thuật viết và bàn tới. Chúng phụ thuộc vào các sự tương giao với nhau theo khoảng cách, định hướng, to nhỏ, sáng tối, âm dương. Có bất cứ sự liên hệ tiên quyết nào giữa chúng, sẽ sẵn sàng có sự bùng nổ của sự chuyển động tâm lý phát sinh trong người xem theo quán tính kinh nghiệm của thực tại. Sinh viên có thể tìm đọc và tham khảo về điều này từ cuốn “Tiếng nói của hình và sắc” của Nguyễn Quân…

Trên máy tính, có lẽ lợi thế nhất cũng lại là một cái nhược là sự chuyển động của khối được hỗ trợ tối đa của phần mềm. Vì vậy, ta có thể nhầm lẫn giữa sự chuyển động do máy tính tạo ra và giá trị chuyển động tâm lý thật sự của tác phẩm. Nó đòi hỏi sinh viên phải quan sát và thẩm định rất kỹ lưỡng hai giá trị chuyển động này. Một cái nhất thời, một cái là vĩnh viễn. Một cái là tâm lý, một cái là mô phỏng chuyển động thật theo thời gian. Phân biệt giữa hai cái này, có lẽ theo thời gian trải nghiệm, tính tích cực được phát huy, còn tính tiêu cực sẽ được khắc phục.

 

2.7. Sự biến hình và tính đa dạng phong phú trong cảm nhận thị giác, các quy luật về đối chiếu và liên tưởng.

Ở phần trên ta đã đề cập tới hình dạng thị giác, và một tỷ lệ vàng xuất hiện khách quan trong tự nhiên và sự vận dụng chúng trong sáng tác nghệ thuật một cách có ý thức hay tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng trong thực tế sáng tác, có nhiều nghệ sĩ không áp dụng hoặc không cần biết tới tỷ lệ vàng này. Bởi trong xã hội con người còn có nhiều mức độ chuẩn cho phép và chấp nhận được trong sáng tác. Đây cũng chính là sự mở đầu phong phú cho nghệ thuật tạo hình, cho các thủ pháp, nội dung, trường phái, phong cách…


 

Hình 2.27.

 


Hình 2.28.


Một ví dụ cho chúng ta thấy là chuẩn đẹp về nhân thể học cho con người ở các khu vực các châu lục trên thế giới hoàn toàn khác nhau. Người châu Á, tỷ lệ chiều cao là 6,5 đầu. Người châu Âu là 8 đầu…Chúng ta không thể lấy cái đẹp của người châu Âu so với người châu Á, và kết luận người châu Á không đẹp. Ta có thể suy luận với nhiều tính chất khác trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Chúng ta có thể lấy một ví dụ nữa, với loài cóc ngoài thực tế (hình 2.27), khi nhìn thấy chúng, ít ai dám can đảm lại gần, bắt chúng bỏ lên tay. Nhưng qua lăng kính nghệ thuật của các nhà điêu khắc, chúng đã trở thành những con Thiềm thừ đáng yêu ngồi chễm chệ trên các ban thờ thần Tài (hình 2.28). Với sự sáng tạo và tưởng tượng, xuất phát từ các đối tượng có thật trong cuộc sống “làm cớ” cho nghệ sĩ nghiên cứu, người nghệ sĩ có thể đã lột tả được bản chất cái đẹp của thế giới dù nó có tồn tại dưới bất kỳ hình dạng nào. Và cũng tạo một khoảng cách tâm lý khiến thực dụng không thể áp đảo được cảm xúc mỹ cảm của người xem. Đây là một giá trị hết sức nhân văn của nghệ thuật thị giác. Dù bản chất cuộc sống có tàn độc đến đâu chăng nữa, dưới con mắt của nghệ thuật, thì bản chất sâu xa hơn nữa vẫn là tốt đẹp, bởi nó đã được tạo hóa sinh ra trên thế giới này, ắt hẳn sẽ có một mặt tốt đẹp nào đó. Bản chất tốt, xấu, bi, hài, các mặt của một bản thể đã được môn mỹ học nghiên cứu dưới những phạm trù hết sức khoa học. Đó chính là cái đẹp, cái bi, cái hài, cái xấu. Nghệ thuật còn có chức năng cải tạo cái xấu để bản chất cái đẹp vốn có sẵn trong mỗi sự vật được hồi phục và phát triển. Sinh viên có thể nghiên cứu kỹ lại khi đã học qua môn mỹ học này.

Trong sáng tác, sự biến hình (hay sự đa dạng của hình dạng thị giác) và sự đối chiếu liên tưởng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tính chất sống động trong tác phẩm sẽ được cảm nhận nếu các hình dạng thị giác gợi được sự đối chiếu và liên tưởng tới một đối tượng có thật nào đó (cả vật chất và tinh thần), qua đó người xem sẽ cảm thấy tác phẩm gần gũi, và thật sự hiểu được nội dung và thông điệp của tác phẩm. Tạo được sự đối chiếu và liên tưởng, là một trong những thành công đầu tiên thu hút người thưởng thức. Bước tiếp theo chinh phục độc giả chính là thủ pháp, phong cách cũng như nội dung độc đáo cá tính của tác giả.

Trong thực tế, ngoài các hình kỷ hà cơ bản đầu tiên, thế giới thị giác còn rất nhiều hình biến thể gần gũi với chúng. Hình tròn có biến thể là hình elip, hoặc hình trứng (đầu to đầu nhỏ), trái xoan, ô-van… Còn hình chữ nhật có các biến thể là hình thoi, hình vuông, hình bình hành, hình thang…Chúng với những tỷ lệ khác nhau sẽ tạo ra muôn màu, muôn mặt, muôn hình dạng xuất hiện trong cuộc sống thiên nhiên và xã hội con người. Nắm bắt và khái quát hóa các hình dạng đó, chuyển chúng thành những tín hiệu thị giác khái quát điển hình chính xác với bản chất từng đối tượng nghiên cứu, ta sẽ chắc chắn gây được hiệu ứng đối chiếu và liên tưởng tới đối tượng đó trong thực tế.



Ta xem từ hình 2.29 => 2.35: bảy nhóm tượng dưới đây khi xem chúng ta đều có sự liên tưởng đầu tiên. Đó là các tác phẩm đều đang đề cập tới hoạt động trong xã hội loài người. Các thủ pháp thể hiện, trường phái nghệ thuật, phong cách, sự cách điệu của khối khác nhau. Dù cho các hình dạng thị giác bị bóp méo, biến dạng đến đâu chăng nữa, nhưng chúng vẫn có một điểm chung. Đó là sự liên tưởng tới các sinh hoạt xã hội con người mà không thể liên tưởng tới các loài động vật khác tương tự như con khỉ, đười ươi, hay vượn…Nguyên nhân chính là tỷ lệ của các hình trong tác phẩm đã được đối chiếu và liên tưởng tới tỷ lệ của con người. Trong các tác phẩm này, tỷ lệ giữa các khối mảng, gần giống tỷ lệ giữa các bộ phận trên cơ thể người. Nên chúng rất dễ dàng khi đối chiếu và liên tưởng tới con người. Chính vì tỷ lệ trên tác phẩm khá chính xác với tỷ lệ người thật, nên kinh nghiệm thực tại không cho phép sự liên tưởng khác với liên tưởng tới con người. Thậm chí chỉ với những khối cực kỳ đơn giản như hình 2.31 và hình 2.34, dù khối mảng có bị biến đổi cách điệu như thế nào đi nữa, nếu giữ đúng tỷ lệ như trên cơ thể con người, ta vẫn chỉ liên tưởng duy nhất tới sự hoạt động đặc trưng của con người mà tác phẩm muốn đề cập tới.


 

Hình 2.36.

 


Hình 2.37.

 

Như vậy dù với phong cách và trường phái nào đi chăng nữa, nếu không nắm bắt được bí quyết tỷ lệ. Tác phẩm rất khó thành công trong thể hiện ý tưởng và chủ đề theo đuổi. Đây là lý do vì sao trong các trường chuyên nghiệp phải có những bài học nghiên cứu cơ bản như giải phẫu học, hình họa, nghiên cứu tượng tròn, phù điêu toàn thân trực tiếp với người mẫu nude. Rất nhiều học sinh coi nhẹ những bài học nghiên cứu này. Một số sinh viên dễ rơi vào trạng thái khó khăn về tâm lý, cảm xúc thẩm mỹ không thể phát khởi nếu sinh viên không muốn học. Các trường Đại học nghệ thuật Thái Lan, thậm chí ngoài tỷ lệ mẫu người, sinh viên còn phải nghiên cứu mẫu bộ xương người thật, xương trâu bò, và các loài vật (hình 2.36 và hình 2.37). Sự sáng tạo phải được phát triển trên nền kiến thức cơ bản, đó chính là kiến thức về tỷ lệ của muôn loại, muôn vật…

Ngoài các dạng liên tưởng về tỷ lệ, còn rất nhiều sự liên tưởng khác phụ thuộc vào trải nghiệm sống và thực tế của từng cá nhân. Đó là những liên tưởng về các giá trị tinh thần. Nhìn hình vuông và hình tròn, có lẽ một số lớn sẽ liên tưởng tới câu chuyện cổ tích về Trời đất, về Lang Liêu với sự tích bánh chưng bánh dày. Trong mỗi cuộc đời chúng ta phải có những khoảnh khắc khi chứng kiến thấy một hình ảnh sâu đậm nào đó, sự kiện quan trọng nào đó thì những hình ảnh liên tưởng ào ạt kéo tới. Chỉ cần nhìn lại một bức tranh với cánh đồng lúa vàng rực, có thể với một số người, những kỷ niệm ký ức của cả một thời thơ ấu nông thôn vùn vụt kéo về. Chúng rõ ràng đến mức như một cuộn phim quay chậm hiện ra trước mắt ta. Mặc dù bình thường ta khó có thể nhớ tới chúng.

Chỉ cần coi lại một bức ký họa chân dung xấu xí của thời sinh viên năm thứ nhất, tất cả hình ảnh thời ấy lại hiện về rõ mồn một. Những vui buồn về cuộc sống tình cảm của ta sống động trở lại trong tâm trí. Khi xa quê hương, xa một mối tình, con người thường có xu hướng muốn lưu giữ những kỷ vật mà khi nhìn nó, đủ sức gợi nhớ lại những hình ảnh, sự kiện không muốn quên. Sự liên tưởng đã là bản năng tinh thần bẩm sinh của con người. Đây quả là một yếu tố hỗ trợ tuyệt vời cho các tác phẩm muốn đi vào lòng công chúng. Cách đây không lâu, một số tác giả đã sưu tập và cho triển lãm một số tác phẩm, đồ vật, tem phiếu thời bao cấp. Một thời mà chắc hẳn chưa bao xa, nhiều người còn sống hiện nay đã trải qua và lưu giữ nhiều kỷ niệm thực tại khó quên trong đó. Có lẽ đây là một ví dụ cho một sự liên tưởng có chủ đích rõ ràng của nhóm tác giả này muốn hướng tới. Chỉ cần thấy cái tem phiếu, sổ gạo thời ngày đó, cảnh xếp hàng xếp gạch mua bán với những hình ảnh liên tưởng về thời ấy không thể nào quên cho những ai đã từng sống.

Quy luật liên tưởng và đối chiếu quả hết sức quan trọng khi cấu thành giá trị nội dung hàm chứa trong nó. Một bức tranh mà không gợi được một liên tưởng nào cho người xem, qua đó gây được một sự chấn động về tâm lý thẩm mỹ thì tác phẩm có lẽ chưa thành công.

Tóm lại, muốn quy luật đối chiếu và liên tưởng phát huy hết được mặt tích cực của nó, ngoài hiểu biết và vận dụng tỷ lệ vàng, còn phải nắm được những tỷ lệ đặc thù, đặc trưng của những đối tượng mình đang nghiên cứu và sáng tác. Giữ được tỷ lệ đặc thù, thì dù hình dạng có biển đổi thế nào đi chăng nữa, có băm nát tác phẩm thành bao nhiêu mảnh đi chăng nữa, có theo trường phái nào đi chăng nữa, thì giá trị nội dung hàm chứa chủ đề và giá trị hình thức nghệ thuật của tác phẩm vẫn vẹn toàn.  Đây là một yếu tố quan trọng và tiên quyết của sự thành công trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...