Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

Hình dạng thị giác với bố cục sáng tác.

Hình dạng thị giác với bố cục sáng tác.

Hình dạng thị giác tức là hình ảnh đơn giản đầu tiên mà con mắt tiếp xúc với đối tượng, chưa bị não bộ tổng hợp thành một hình ảnh phức tạp như đối tượng vốn có trong thực tế. 

 


Hiểu rõ khái niệm hình dạng thị giác, sẽ giúp ích rất lớn cho công việc sáng tạo của ta. Nó tránh cho tác giả khỏi sa vào một mớ hỗn độn phức tạp như vốn có của đối tượng, ngay từ những bước đầu khởi động. Ta có thể lấy một ví dụ để hiểu rõ bản chất của khái niệm quan trọng này. Khi chúng ta đang đi ngoài đường đông đúc, không để ý đến ai. Nhưng một người thân quen lướt nhanh qua, chỉ cần thấy được hình bóng thoáng qua ngắn ngủi, ta vẫn có thể nhận được ra đó là ai. Vậy ta nhận ra người đó bằng lý do gì. Bỏ qua những yếu tố tâm lý, thì duy nhất đó chính là hình dáng đơn giản nhất của người đó đã quá quen thuộc. Ta không thể có thời gian để nhìn chi tiết mắt, mũi, miệng, khuôn mặt để qua đó nhận biết chính xác. Mà chỉ cần một cái gì đó chung nhất, đơn giản nhất, bản chất nhất đã có thể đại diện đầy đủ cho đối tượng đó. Hình dạng thị giác là một khái niệm làm chúng ta nhìn nhận thế giới một cách đơn giản đi, nhưng lại đi thẳng tới bản chất hình tượng của đối tượng hơn. Không bị sa vào chi tiết rườm rà rắc rối vốn có của thực tế, từ đó dễ bị lạc hướng, có khi quay ngược với cả hướng đi ban đầu. Như vậy hình dạng thị giác có chứa một lượng thông tin cơ bản nhất định nào đó, qua kinh nghiệm thực tại của mỗi người mà thông tin đó sẽ được khôi phục lại, nhưng ý nghĩa lớn hơn như đã từng trải nghiệm.

Một ví dụ về hình dạng thị giác:


- Hình 01: Đây là hình nguyên thủy đơn giản (một đường thẳng, một nửa vòng tròn), mọi người đều thấy rõ nó là một đường cong trên một đoạn thẳng, chẳng diễn tả một ý tưởng nào cả.

- Hình 02: Nếu ai ở tâm trạng phấn khích, hạnh phúc, vui vẻ… có thể người đó sẽ liên tưởng tới ánh bình minh.

- Hình 03: Còn ai đang tâm trạng đau khổ, ê chề, không hạnh phúc… có thể sẽ liên tưởng đến nấm mộ hoang đầy cỏ dại.

Chúng ta có thể có nhiều ví dụ tương tự. Nhìn một hình dạng nào đó, con người có thể liên tưởng tới một sự kiện, sự vật, một âm thanh, một giá trị tinh thần…nào đó đã trải qua kinh nghiệm trong cuộc sống của họ. Ví như nhìn một hình tròn, người thành phố có thể liên tưởng tới bánh xe ô-tô. Còn người ở nông thôn có thể liên tưởng tới một bánh xe bò. Nhìn một hình tam giác, người ta có thể liên tưởng tới một mái nhà, một lá cờ đuôi nheo, một kim tự tháp…Nhìn một đường thẳng đứng, có cảm giác mang lại sự sống khi liên tưởng đến con người đứng thẳng. Nhìn một đường nằm ngang, người ta liên tưởng tới sự bất động, sự chết khi liên tưởng đến một cái xác không hồn…

Dưới đây là một số quan điểm của họa sĩ, nhà điêu khắc Picátxô, đồng quan điểm với sự áp dụng khái niệm hình dạng thị giác vào nghệ thuật tạo hình:

-   Họa sĩ phải quan sát thực tế, nhưng không bao giờ đánh lẫn nó với hội họa. Nó chỉ được đưa vào hội họa thông qua các tín hiệu…

-   Nghệ thuật là sự loại bỏ những gì không cần thiết.

-   Nghệ thuật gội rửa tâm hồn khỏi những bụi bặm của đời sống hàng ngày.

-   Nghệ thuật là lời nói dối làm chúng ta nhận ra chân lý.

-   Nghệ thuật không phải là sự áp dụng các khuôn mẫu về cái đẹp, mà do bản năng và suy nghĩ có thể cảm nhận được vượt khỏi những khuôn mẫu. Khi yêu một người phụ nữ, ta không đi đo tỉ lệ chân tay của cô ấy.

-   Không có nghệ thuật trừu tượng. Bạn luôn phải khởi đầu với một thứ gì đó. Sau đó bạn có thể lược bỏ mọi dấu vết của hiện thực.

-   Điêu khắc là nghệ thuật của những người thông minh.

Trong thực tế nghiên cứu và sáng tác. Bao giờ chúng ta cũng phải đi theo các bước, tìm tổng thể rồi mới tới đẩy sâu chi tiết nhằm làm rõ thêm cái tổng thể đó, theo các quy luật và nguyên tắc khi sắp xếp bố cục để sáng tác. Chứ tuyệt đối không phải làm rõ chi tiết cái đối tượng ngoài thực tế thật kia (như minh họa đối tượng). Tổng thể có lẽ chính là cấu trúc vật thể, là hướng, là đường, là nét, là những hình ngoại tiếp cơ bản kỷ hà… của các đối tượng. Từ cái bản chất cô đọng nhất đó, qua lăng kính của người nghệ sĩ, một sáng tạo mới đại diện cho tất cả những đối tượng, vật thể có cùng bản chất được tái hiện, nhưng chúng có tính điển hình cao hơn đối tượng được dùng làm cớ để mô tả. Có thể lúc này một tác phẩm nghệ thuật sẽ được ra đời. Trong sáng tác, luật bố cục đòi hỏi sự quán xuyến đầu tiên phải có những đường nét đơn giản, mảng khối cơ bản định hướng trước bố cục. Sau đó trên cơ sở đó mới có các bước tiếp theo. Vậy các đường nét, khối mảng đơn giản đó phải bắt buộc mắt người dễ dàng nhận biết, phân tích tổng hợp nhằm đưa tâm lý hướng tới các kinh nghiệm mỹ cảm và từ đó phát sinh cảm xúc mỹ cảm.

Ta đều biết, tất cả các đối tượng dù nhiều chi tiết rườm rà, chúng đều phải nằm nội tiếp trong những hình kỷ hà đơn giản. Một ngôi nhà, dù phức tạp đến đâu chăng nữa, nếu nhìn xa nó có thể nằm nội tiếp trong một hình chữ nhật đứng hoặc ngang. Nếu nhìn gần nó sẽ nằm trong một khối đơn giản nhất là khối hộp. Để đi tiếp các bước phân biệt đâu là nhà này nhà kia, thì ta chỉ cần tính tỷ lệ các chiều với nhau. Tỷ lệ tạo nên cái riêng biệt cho từng đối tượng, nhưng không thể thoát khỏi cái sơ khởi là các hình kỷ hà đơn giản, tương ứng với các khối đơn giản được tạo từ nó. Đó là hình chữ nhật hoặc khối hộp, hình tam giác với khối chóp, hình tròn với khối hình nón.

 
Hình 2.10


 
Hình 2.11.

 


Hình 2.12.

 

Cấu trúc tỷ lệ là bí quyết của sự khác nhau vê hình dạng của muôn loài. Chính Picátxô cũng đã có một cảm khái: “Chúa là một nghệ sĩ. Ông ấy tạo ra hươu cao cổ, voi, mèo. Ông ấy không có phong cách cụ thể nào, Ông ấy liên tục thử nghiệm những mới mẻ”.  Có một tỷ lệ mà cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn trong mọi lĩnh vực. Bởi vì nó có giá trị trong hầu hết mọi cấu trúc từ vĩ mô tới vi mô. Từ khoa học xã hội tới nghệ thuật, từ vũ trụ rộng lớn tới hạt cát nhỏ bé, từ sinh vật bé nhỏ tới các ứng dụng trong đời sống con người. Nó thống nhất tới tất cả mọi thứ tồn tại trong thế giới thực này. Một tỷ lệ đặc biệt có thể nói đại diện cho cái đẹp được con người tìm ra qua nghiên cứu và thống kê. Chứ chưa thể lý giải được tại sao nó lại tồn tại hết sức khách quan không phụ thuộc vào ý chí con người. Tỷ lệ tồn tại trong thực tế bao trùm khách quan đó được gọi là Tỷ lệ vàng.

Ta có thể khảo cứu vài ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước để chứng minh. Theo website có địa chỉ http://genk.vn/, đã tổng hợp từ nhiều nguồn các tư liệu chứng minh Tỷ lệ vàng là một tỷ lệ bao trùm khách quan. Trong thực tế có rất nhiều thứ được thiết kế theo một tỉ lệ khiến người nhìn cảm thấy một sự cân đối khó giải thích. Con người vẫn không thể giải thích được, tại sao vô số những thực thể hữu cơ lẫn vô cơ tìm thấy trong tự nhiên lặp đi lặp lại tỷ lệ đặc biệt trên. Nguyên nhân đằng sau con số chi phối sự cân đối hài hoà và vẻ đẹp của toàn thể vũ trụ là gì? Câu hỏi này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều người trong hàng thiên niên kỷ qua, nhưng cho đến ngày nay nó vẫn tiếp tục là một điều bí ẩn. Chúng ta thử điểm lại một số vấn đề và ứng dụng của tỷ lệ vàng này trong các lĩnh vực khoa học, xã hội và nghệ thuật, mà các giới chuyên môn đã đề cập tới rất nhiều trong thời gian rất dài vừa qua.

1. Tỉ lệ vàng là gì?: Những nghiên cứu về một tỉ lệ đẹp giữa các cạnh của các hình khối cơ bản như hình vuông, chữ nhật, tam giác… đã được xem xét và xây dựng từ rất lâu trong lịch sử của con người. Trở về thời kì của Ai Cập cổ đại, hay sau này như Greek, Roman, các công trình còn lại đã cho loài người hiện đại một cái nhìn về lịch sử phát triển của khoa học hình khối mà cho tới nay chúng ta vẫn không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng các tòa kim tự tháp hay các đền thờ cổ xưa này. Các công trình này không những chỉ lớn về mặt kích thước mà còn tạo ra các cảm giác rất dễ chịu và cân bằng với người thưởng thức. 

 

Hình 2.14

Qua các nghiên cứu và đánh giá tỉ mỉ, người ta thấy rằng có một “tỉ lệ vàng” đã được các nhà điêu khắc, xây dựng, mỹ thuật áp dụng rất triệt để và hiệu ứng nó mang lại là rất rõ ràng, đó là tỉ lệ vàng.

Tỉ lệ vàng được diễn tả một cách toán học như sau: Trong toán học và nghệ thuật, hai đại lượng được gọi là có "tỷ lệ vàng" nếu tỷ số giữa tổng của các đại lượng đó với đại lượng lớn hơn bằng tỷ số giữa đại lượng lớn hơn với đại lượng nhỏ hơn. Tỷ lệ vàng thường được chỉ định bằng ký tự φ (phi) trong bảng chữ cái Hy Lạp (hình 2.10).

Như vậy ta có: (a+b):a = a:b = φ

2. Hình chữ nhật vàng: Hình chữ nhật vàng là hình chữ nhật có tỉ lệ các cạnh rộng trên cạnh dài bằng 1: φ , tức là vào khoảng: 1/1.618. Cách lập một hình chữ nhật vàng theo phương pháp Le Corbusier được mô tả dưới đây (hình 2.11):

- Vẽ một hình vuông cạnh bằng 1 (đỏ).

- Vẽ một đoạn thẳng từ trung điểm của một cạnh đến một trong hai giao điểm của hai cạnh đối diện.

- Lấy đoạn thẳng vừa vẽ làm bán kính, vẽ một đường tròn. Đường tròn này sẽ định vị điểm thứ ba của hình chữ nhật tại giao điểm của đường tròn và cạnh chứa tâm đường tròn kéo dài.

3. Vòng xoắn ốc vàng hay đường xoắn ốc Fibonacci: Hình 2.12 - Khi đường xoắn ốc Lôgarit tiếp xúc trong với các cạnh của một chuỗi các hình chữ nhật vàng thì nó được gọi là đường xoắn ốc vàng. Các đường chéo của các hình chữ nhật vàng lại cắt hai vòng xoắn liên tiếp của đường xoắn ốc này theo chuỗi số Fibonnaci) được gọi là đường cong Fibonnaci. Ví dụ tỉ lệ vàng thấy ở thiết diện cắt qua một con ốc sên.

Hình 2.13 - Đường xoắn ốc tiếp xúc với tất cả các cạnh của các hình vuông này (các cạnh là các số 34, 21, 13, 8,5 3, 2, 1 thuộc dãy số Fibonaci).

Hình 2.17

 

Hình 2.18.

4. Tỉ lệ vàng trong kiến trúc và hội họa: Đây là tỉ lệ tượng trưng cho thẩm mỹ, cho tính cân đối của tự nhiên và tạo hóa. Các họa sĩ và các kiến trúc sư từ lâu đã biết cân đối kích thước các chi tiết trong công trình hay trong các bức vẽ của mình để đạt được sự hài hòa của tự nhiên.

- Đền Parthenon, Acropolis, Athens…: Nhìn vào hình vẽ ta dễ dàng nhận ra các tỉ lệ vàng xoay xung quanh một hình xoắn ốc vàng tưởng tượng. Có lẽ, chính nhờ sự thiết kế này, đền Parthenon mới đạt được sự hài hòa cân đối, và trở thành công trình kiến trúc có một không hai của Hy Lạp (hình 2.14).

- Tháp Rùa của Việt Nam. Tháp Rùa, theo tương truyền, do Bá Hộ Kim xây dựng (người thực sự thiết kế thì không rõ) lúc đầu với mục đích chôn cất thi hài cha. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu tháp này có tên là Tháp Bá Hộ Kim. Tính cân đối của tháp rùa có được một phần do thiết kế theo tỉ lệ vàng. Nhờ đó, tháp rùa trở thành một trong những biểu tượng nối tiếng của Hồ Gươm, của Hà Nội, của Việt Nam (hình 2.15).

- Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân (Hình 2.16): Trong màu trắng phớt xanh, phớt hồng, một cô gái hơi nghiêng, đầu ngả trên cánh tay đang ngắm hoa. Dáng mềm mại của cô gái được tôn thêm bằng tư thế đặc biệt của hai tay: Cánh tay trái vòng qua đầu, đặt hờ lên mái tóc. Hai bông huệ to, nổi bật bởi màu trắng tinh khiết. Toàn bộ bức tranh như thì thầm kể với người xem về một cô gái trong trắng, thơ ngây, nhưng cũng đầy ưu tư cuộc sống. Chúng ta không biết khi vẽ bức tranh này hoạ sĩ Tô Ngọc Vân có vẽ phác trước đường xoắn ốc vàng ra không, nhưng việc “nhìn ra” đường xoắn ốc vàng như trên giúp ta cảm thụ bức tranh một cách đầy đủ hơn, và do đó thấy được sâu hơn vẻ đẹp của tác phẩm.

5. Tỷ lệ vàng trong các tác phẩm của Leonardo da Vinci: Đây là bức tranh bí ẩn nhất, gây tranh cãi nhiều nhất của danh họa Leonardo da Vinci. Từ bức tranh, ta có thể thấy khuôn mặt nàng Mona Lisa nằm gọn trong một hình chữ nhật vàng và cấu trúc phần còn lại của bức tranh cũng cấu trúc theo một vòng xoắn ốc vàng (hình 2.17). Không chỉ có thế, ta còn tìm thấy tỉ lệ này trong các bức tượng cổ điển nổi tiếng thần Venus. Tỷ lệ từ đầu tới ngực, tới rốn, tới đầu gối…( hình 2.18).

6. Tỉ lệ vàng ở các sản phẩm Apple: Hình 2.19: Ngay cả thời nay, tỉ lệ vàng vẫn luôn được các nhà thiết kế ưa chuộng sử dụng trong các sản phẩm của mình.

 

 
Hình 2.20.

Hình 2.21.


Hình 2.22.

Logo quả táo khuyết của Apple thì ai cũng biết và rất nổi tiếng nhưng ít ai biết cách mà các nhà thiết kế đã tạo ra nó, hay nói cách khác là nó được vẽ ngẫu nhiên hay theo một tỉ lệ nào? Thật tuyệt vời khi người ta khám phá ra rằng logo quả táo được thiết kế theo tỉ lệ vàng được giới hội họa và kiến trúc áp dụng trên những tác phẩm kinh điển. Cụ thể, Rob Janoff đã tạo nên logo Apple dựa trên hình chữ nhật vàng và dãy số Fibonacci huyền ảo. Không chỉ có logo quả táo, logo iCloud mới đây, logo Mac OS Lion, iPhone 4 cũng chịu ảnh hưởng từ tỉ lệ vàng (Golden Ratio). Không chỉ có logo, mà Apple còn được cho cũng sử dụng tỉ lệ vàng vào thiết kế phần cứng như với iPhone 4. Hình dáng của IPhone 4 là một hình chữ nhật vàng với các chi tiết bên trong tuân theo quy luật này. Tỉ lệ vàng còn được tìm thấy ở việc sắp xếp vị trí jack tai nghe, ăng-ten sóng gần đó, micro phụ và cụm camera/đèn flash phía sau máy.

7. Tỉ lệ vàng trong tự nhiên: Không chỉ dừng lại ở các tác phẩm hội họa và các công trình kiến trúc, tỉ lệ vàng, một tỉ lệ của tự nhiên và thực tế nó gắn với các hiện tượng tự nhiên một cách đáng ngạc nhiên.

Vóc dáng con người có sự liên quan với tỷ lệ vàng. Cái đẹp của  con người ở đây có lẽ là sự cân đối về vóc dáng. Dưới đây là một số tổng kết tỷ lệ trên cơ thể con người (hình 2.20).

Ø  Chiều cao / đỉnh đầu đến đầu ngón tay = Ф

Ø  Đỉnh đầu tới đầu ngón tay / đỉnh đầu tới rốn (hoặc cùi chỏ) = Ф

Ø  Đỉnh đầu tới rốn (hoặc cùi chỏ) / đỉnh đầu tới ngực = Ф

Ø  Đỉnh đầu tới rốn (hoặc cùi chỏ) / chiều rộng đôi vai = Ф

Ø  Đỉnh đầu tới rốn (hoặc cùi chỏ) / chiều dài cẳng tay = Ф

Ø  Đỉnh đầu tới rốn (hoặc cùi chỏ) / chiều dài xương ống quyển = Ф

Ø  Đỉnh đầu tới ngực / đỉnh đầu tới gốc sọ = Ф

Ø  Đỉnh đầu tới ngực / chiều rộng của bụng = Ф

Ø  Chiều dài của cẳng tay / chiều dài bàn tay = Ф

Ø  Vai đến các đầu ngón tay / khuỷu tay đến các đầu ngón tay = Ф

Ø  Hông đến mặt đất / đầu gối đến mặt đất = Ф

Ø  Gọi độ dài từ rốn lên đến đỉnh đầu là x, độ dài từ rốn xuống đến chân là y. Độ dài một dang tay gọi là a. Nếu x/y = a/(x+y) = 1,618 = Ф, thì đó là thân hình của các siêu người mẫu.

8. Tỉ lệ vàng ở khuôn mặt người: Hình 2.21, là một khuôn mặt có lẽ thật sự hoàn hảo vì có một tỷ lệ khuôn mặt cân đối. Và ta luôn tìm thấy tỉ lệ vàng ở những tuyệt tác tự nhiên ấy. Như vậy tỉ lệ vàng hay tỉ lệ hoàn mỹ, không chỉ để định nghĩa về vóc dáng, mà còn về khuôn mặt thế nào là đẹp.

- Tỉ lệ vàng trên họa tiết của một con bướm “ chuẩn” (hình 2.22). Một con bướm có kích thước và hình hoa văn trên cánh được sắp xếp ngẫu nhiên theo đúng tỷ lệ vàng.

- Tỉ lệ vàng và vũ trụ: Trong vũ trụ có rất nhiều thiên hà xoắn ốc theo đúng tỉ lệ của đường xoắn ốc vàng. Ví dụ dải ngân hà NGC 5194 cách dải ngân hà của chúng ta 31 triệu năm ánh sáng. Một cơn bão cũng có một hình dạng tỷ lệ vàng tương tự (hình 2.23).

 - Tỉ lệ vàng và bản chất con người: Vật chất di truyền ở mức độ phân tử của con người là phân tử AND. Mô hình không gian của phân tử này gồm hai chuỗi xoắn kép quanh một trục tưởng tượng. Và điều tuyệt vời là kích thước của mô hình cấu trúc này cũng cân đối chằn chặn theo tỉ lệ vàng (hình 2.24).

Tóm lại hình dạng thị giác trong nghệ thuật là một khái niệm có tính tiền đề và cơ bản để bộ môn nghệ thuật xây dựng nên những nguyên tắc, nguyên lý, quy luật về bố cục tạo hình, sao cho toàn bộ tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh về phương diện thẩm mỹ thị giác (tạo hình). Tạo cơ sở cho chủ đề và thông điệp của tác phẩm được thăng hoa.

Mỗi một chủ đề, ngôn ngữ thủ pháp thể hiện  của mỗi cá tính tác giả, không thời gian khác nhau, sẽ cho ra những tác phẩm có tính sáng tạo khác nhau.

Yếu tố này góp phần cho mỗi sinh viên khi sáng tác nắm vững được yêu cầu nghề nghiệp, chuyên môn, trau dồi kỹ năng và thủ pháp sáng tác. Hiểu kỹ yếu tố tỷ lệ này, cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho sinh viên điêu khắc xác định khoảng cách tâm lý trong sáng tác một cách hợp lý hơn.

Như vậy muốn sáng tác một tác phẩm nghệ thuật, ta cũng cần phải thông hiểu một số yếu tố có tính kiến thức nền, cơ bản nhất, sẽ tạo tiền đề cho sự sáng tác và cảm thụ nghệ thuật.

Thiếu những kiến thức này, sẽ rất khó khăn, khi nỗ lực muốn sáng tạo một tác phẩm có sự biểu cảm nghệ thuật rõ ràng. Và rõ ràng lúc này, tác phẩm sẽ khó có chỗ đứng với thời gian để hoàn thành các sứ mạng đặc biệt quan trọng của nó trong đời sống văn hóa con người.

 

2.5. Tập hợp thị giác với không gian 3D trên máy tính.

Trong thực tế cũng như khi bố cục một tác phẩm điêu khắc, chúng ta phải sử dụng nhiều tập hợp khối, diện, mảng với nhiều kích thước và thể tích khác nhau xắp xếp làm sao vừa thỏa mãn kinh nghiệm xúc cảm thẩm mỹ, vừa thỏa mãn khoảng cách hợp lý giữa các kích thước khối khác nhau đó. Tức là giữa các khối có kích thước khác nhau sẽ có những khoảng cách hợp lý khác nhau. Các khối liên hệ với nhau mà thay đổi kích thước, khoảng cách này sẽ phải bị điều chỉnh. Một tập hợp rất nhiều khối sắp xếp lại với nhau để tạo thành một bố cục, sẽ có sự góp mặt của rất nhiều tập hợp gồm nhiều hình dạng thị giác. Một bố cục nghệ thuật tạo hình sẽ là một tập hợp thị giác bao gồm rất nhiều tổ hợp khối lớn nhỏ khác nhau được sắp xếp theo những nguyên tắc và quy luật bắt buộc của nghệ thuật tạo hình.

Trong một bố cục điêu khắc có nội dung chủ đề, nguyên tắc bắt buộc phải tạo ra được một số các loại khối với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Nói chung là ba loại khối lớn, khối nhỏ và khối trung gian. Trong mỗi loại đó, cũng tồn tại ba loại tương tự, nhưng nhỏ hơn. Tính chất và nhiệm vụ các khối lớn có tính chủ đạo, còn các khối chi tiết nhỏ nhằm lột tả thêm bản chất, nội dung của đối tượng. Giữa hai loại khối này lại phải có thêm khối trung gian nhằm cân bằng cả về tâm lý (nghệ thuật) lẫn vật lý hai loại khối trên.

Có thêm một nguyên tắc chung nữa, nếu ta gọi các loại khối tồn tại trong một bố cục lần lượt từ lớn tới nhỏ là A,B,C. Thì khối lớn trong B không được lớn hơn khối lớn trong A. Tương tự cho loại C với B. Giống như trong hội họa, sắc độ sáng nhất trong mảng trung gian không thể sáng bằng sắc độ sáng nhất của mảng sáng. Nếu thứ tự này bị xâm phạm, mọi ý đồ sắp xếp khối trong ý tưởng phác thảo sẽ bị hỗn loạn, méo mó, mất cân bằng khối…, ý tưởng của tác phẩm sẽ thất bại mà không thể thực hiện được trọn vẹn.

   


Ta có thể một ví dụ các khối trên cơ thể con người. Trên cơ thể con người là một tập hợp các loại khối như phần lồng ngực (loại A - khối lớn nhất), khối hông và đầu (loại B - khối trung gian). Và khối tứ chi (loại C – khối nhỏ). 

 Khối lồng ngực sẽ có các khối chi tiết như khối bầu ngực, khối bụng… Còn khối đầu sẽ có các khối chi tiết lần lượt từ lớn tới nhỏ là khối sọ, khối miệng, khối gò má, khối mũi, tai và mắt…Trong một chừng mực nào đó, khối sọ… không thể lớn hơn các khối lồng ngực được. Vì như vậy sẽ gây mất cân bằng nghiêm trọng cả về tâm lý, vật lý.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rất nhiều tập hợp thị giác gồm nhiều khối với nhiều kích thước xen kẽ nhau, ảnh hưởng nhau, tôn nhau lên nếu khoảng cách giữa các khối hợp lý và có thể dìm nhau xuống, hoặc triệt tiêu nhau nếu cũng những khoảng cách đó không hợp lý.

Trong sáng tác điêu khắc trên máy tính, khi bố cục khối, ta còn phải chú ý đến hiệu quả của lực thị giác. Sắp xếp tập hợp khối thế nào để khiến tác động của lực thị giác có hiệu quả nhất. Có sức hút hồn mắt nhất.

Tức ngoài hiệu ứng tâm lý (chủ đề hấp dẫn, lôi kéo…) thì sức hút của một tập hợp có hiệu quả khối đẹp, cũng sẽ tăng khả năng lôi kéo người xem. Có nghĩa khi mà các khối có một khoảng cách nào đó với nhau, nảy sinh một lực thị giác hấp dẫn đến nhau, khiến cho mắt ta khi nhìn khối này thì phải tiếp tục nhìn tiếp khối kia bất kể khoảng cách. Và dưới mắt ta chúng trở thành một tập hợp khối liên kết có tính cấu trúc, không thể tách rời. Nếu thiếu đi một khối nào đó trong một tập hợp khối chúng ta cảm thấy khó chịu, và tập hợp khối đó cũng mất đi tính tổng thể hoàn chỉnh.

Cũng giống như cấu trúc con người có đầy đủ các bộ phận. Nhưng xét trên tổng thể, tập hợp của các khối đầu, mình, tứ chi, thì tạo thành một chỉnh thể hoàn tất. Nay thiếu đi phần chân, ta cũng cảm thấy toàn bộ cơ thể con người đó bị thiếu hụt, mất mát với sự trống trải, hẫng hụt về tâm lý...

Với một mô hình nhân vật hoàn chỉnh, một bố cục đầy đủ, với tập hợp khối được sắp xếp thuận mắt cân đối, chủ đề trong sáng, sẽ lập tức tạo được những cảm xúc thẩm mỹ cho người xem (hình 2.26). Trong quá trình học tập của mình, sinh viên điêu khắc sẽ được trải nghiệm qua các bài học tập của mình, sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...