Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

Cân bằng thị giác với không gian ba chiều.

Cân bằng thị giác với không gian ba chiều.

 Trong một tác phẩm nghệ thuật, sẽ phải có hai giá trị tồn tại trong đó. Thứ nhất là giá trị nội dung hàm chứa về xã hội, hay giá trị nhân văn của tác phẩm. Thứ hai là giá trị về hình thức nghệ thuật, tức giá trị về ngôn ngữ đặc thù của loại hình nghệ thuật biểu hiện. Nếu cả hai giá trị được cộng hưởng và tương tác với nhau, giá trị chung của tác phẩm sẽ thăng hoa. Một pho tượng tình yêu đẹp đẽ êm đềm, mà lại dùng những khối cực kỳ khô cứng, vuông thành sắc cạnh, thì giá trị chung của tác phẩm cũng có thể giảm đi phần lớn. Nếu đang diễn tả một không khí vui tươi, ồn ào của một lễ hội nào đó mà lại thể hiện theo tính chất khối trang nghiêm, cân đối thì không thể có sự hòa hợp giữa hai giá trị. Về mặt biểu hiện hình thức nghệ thuật, có một yếu tố mang tính quyết định mà ta cần phải chú ý đặc biệt. Đó là tính cân bằng trong bố cục.

Trong cuộc sống, sự chuyển động phải là một không gian 3 chiều gắn với một khoảng thời gian nào đó. Nếu không có thời gian, cũng sẽ không có sự chuyển động.

Nhưng trong nghệ thuật điêu khắc, đề cập đến tính chuyển động của một tác phẩm loại hình điêu khắc, hay là cách dùng hình thức ngôn ngữ khối biểu cảm để hỗ trợ sự liên tục, chuyển động của các giá trị thông điệp ẩn chứa trong tác phẩm. Tức là hỗ trợ làm rõ giá trị nội dung ám chỉ có một sức sống đang tồn tại và chuyển động.

Mặt khác, điêu khắc tạo hình là một loại nghệ thuật thị giác. Tức là một loại hình nghiêng về ngôn ngữ hình tượng, tồn tại trong một không gian nhất định, thiếu vắng yếu tố thời gian thực. Vì vậy, trong sự chuyển động nội tại của mình, vẫn phải bắt buộc nằm trong một sự cân bằng nào đó của hình thể, mới có thể tồn tại hợp lý trong một không gian điêu khắc ba chiều.

Trong quá trình nghiên cứu lịch sử phát triển của mỹ thuật, giới nghiên cứu đã đúc kết và tổng hợp thành một số lý thuyết về bố cục nghệ thuật. Đã có rất nhiều các quy luật, quy tắc, rồi nguyên tắc nhằm hệ thống và lý thuyết hóa để các hậu sinh có thể tạm thời làm nền tảng vững chắc, đỡ mất đi nhiều thời gian quý báu trên con đường mò mẫm sáng tác nghệ thuật. Sau khi đã đứng vững trên nền tảng với những hệ thống quy luật bố cục của những người đi trước, mới có thể tìm ra con đường đi riêng cho mình.

Để dẫn về sự cân bằng trong cuộc sống, ta thấy có hai sự cân bằng theo dạng sau đây:

- Cân bằng tĩnh.

- Cân bằng động.

Sự cân bằng tĩnh, là hình ảnh của cái cân đĩa (hình 2.38). Nó cân bằng được là nhờ trọng lượng hai bên bằng nhau, và sự liên tưởng qua tác phẩm là hình dạng thị giác phải có sắp xếp khối mảng thế nào đó đối xứng qua một trục, hoặc mặt phẳng giữa bố cục. Sự cân bằng này xảy ra khi hai bên có sự đăng đối và bằng nhau về khối mảng.

Nhưng do tính biến hình phong phú đa dạng, chúng còn có những biến thể như đăng đối tương đối, đối xứng qua tâm, đối xứng qua trục ngang…

 Sự cân bằng thứ hai là hình ảnh và tính chất của chiếc cân móc (hình 2.39). Ở đây, sự cân bằng xảy ra mặc dù hình dạng hai bên không bằng nhau. Ta nhận thấy bố cục có sự cân bằng vật lý, tức là khối mảng hai bên hoàn toàn không tuân theo bất cứ một quy luật đối xứng nào, nhưng vẫn có thể cảm nhận được chúng cân bằng theo nguyên lý đòn bẩy. Giới chuyên môn gọi đó là bố cục phá thế, hình mảng không đều nhau, hay cân bằng ẩn… Nhưng có lẽ gọi chính xác hơn phải là cân bằng động. Có nghĩa là nó có tính chuyển động về biểu hiện hình thức, do sự sắp xếp tập hợp các hình dạng thị giác mất cân đối nội tại. Trong khi đó, hình dạng toàn bố cục vẫn đang có xu hướng cân bằng ở dạng tâm lý hay vật lý, hoặc cả hai.

Trong thực tế có rất nhiều minh chứng về sự tồn tại của dạng cân bằng động này. Một con mèo rơi từ trên cao xuống, nó luôn luôn tạo được thế cân bằng khi rơi (hình 2.40). Một con người đang thực hiện động tác chạy, trong bất cứ ở thời điểm nào của động tác chạy, hình thể con người luôn ở thế cân bằng động (hình 2.41 và hình 2.42). Khi chạy, lúc ở tư thế ngả người về trước, trọng tâm dồn về trước, bắt buộc chân tự do phải đưa lên đỡ trọng tâm. Và trọng tâm luôn được giữ ở khoảng giữa hai bàn chân theo sự điều chỉnh tự động của các cơ quan cân bằng tự động trong cơ thể người. Người xem cảm thấy an toàn khi thế cân bằng được xác lập. Ngay cả thời điểm toàn thân trên cao, dù đang ở dáng động (chạy) ta vẫn thấy một sự thăng bằng thỏa mãn cả về tâm lý (vận động viên không thể ngã) và vật lý (hình dạng thị giác rất cân bằng, không bị lệch trục).

 

 

Hình 2.40.

 


Hình 2.41.

 


 Hình 2.42.

 


 
Hình 2.43.


Nếu ta đang thực hiện sáng tác trên máy tính, sự quán xuyến về vấn đề này khá dễ dàng. Nhờ những sự hỗ trợ tích cực của các thiết lập trong phần mềm 3D (Zbrush), ta có thể kiểm tra, sửa chữa các khối mảng tổng thể rất nhanh chóng. Thậm chí ta có thể tìm ra ngay trọng tâm của tổng thể tổ hợp các khối có trong bố cục để có thể đánh giá cân bằng khối. Qua đó gia giảm hoặc tăng thêm khối. Điều này trong thực tế là rất khó. Chỉ có thể được đánh giá bằng kinh nghiệm thực tế và cảm nhận theo bề dày kinh nghiệm sáng tác.

Như vậy cân bằng tĩnh, chính là các quy luật như đối xứng tuyệt đối hay đối xứng đăng đối, đối xứng qua tâm, đối xứng qua đường trục. Trong điêu khắc còn có thêm đối xứng qua một mặt phẳng, hoặc diện nào đó. Ngoài ra còn có đối xứng tương đối, tức là trong tổng thể chúng có vẻ như tuyệt đối, nhưng có một vài chi tiết hai bên có vẻ không giống nhau. Quy luật này hay được dùng nhiều kiến trúc miếu mạo, đình chùa, hoặc cung điện lăng tẩm. Bởi tính tĩnh lặng uy nghiêm, mang đầy tính chất thần bí tâm linh.

Còn cân bằng động thỏa mãn được tính sáng tạo, luôn luôn đổi mới của hầu hết các nghệ sĩ sáng tác, nên chúng thường được sử dụng nhiều hơn. Sự biến hình của quy luật cân bằng động hết sức phong phú. Hầu như không tác phẩm nào giống tác phẩm nào từ khi lịch sử mỹ thuật phát triển tới nay. Sự biến hình của quy luật cân bằng động này phong phú đến mức có thể nói như một viên gạch ném lên trời, và khi rơi xuống đất, không bao giờ thiếu điểm cho nó tiếp đất. Chính vì vậy, sự sáng tạo mới lạ luôn đi cùng nghệ thuật tạo hình cho đến khi nào không còn tồn tại xã hội loài người. Con người còn tồn tại, xã hội còn tồn tại, nghệ thuật tạo hình sẽ còn mãi sự sáng tạo với biểu hiện mới lạ, độc đáo của từng tác phẩm nghệ thuật.

Cân bằng còn có tính tâm lý. Nếu ta sắp xếp một bố cục dù có chặt chẽ cân bằng đến đâu về mặt hình dạng thị giác, ví dụ như đăng đối tuyệt đối về hình dạng. Nhưng khi ta thể hiện chi tiết là những cơ thể người lộn ngược, đầu xuống đất, chân lên trời... Hoặc cung cấp một số liên tưởng và đối chiếu bị ngược so với kinh nghiệm thực tế, thì người xem vẫn có cảm giác bố cục không cân bằng.

Hình 2.44: Quần thể tượng đài gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ  quyết thắng biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hòa bình và quyết tâm giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng và bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6 m kết cấu bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Tượng đài được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và là một trong những tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Đây cũng là một bố cục tuân theo quy luật cân bằng động. Ta không thể thấy chúng đối xứng nhau qua bất cứ một điểm hoặc trục, diện nào. Khối mảng được phát triển cả ba chiều. Nhưng một điều thấy rõ, trọng tâm của tượng không hề rơi ra ngoài khối tượng. Bởi trong cụm tượng đã có một quy luật riêng lấy trọng tâm. Các khối bên phải, khi lá cờ vươn lên cao và hướng sang phía phải, sẽ có xu hướng làm mất cân bằng tượng. Làm tượng sẽ đổ về phải. Nhưng tác giả đã khôn khéo kéo thêm chi tiết là em bé ngồi trên tay người chiến sĩ, khiến trọng tâm cụm tượng được kéo trở lại vào bên trong.

Nhưng quan trọng là sự phát triển của hai chi tiết em bé và lá cờ không đối xứng với nhau. Mà một bên lá khối lá cờ đi lên, một bên là khối em bé được phát triển theo chiều ngang sang bên trái. Kích thước của cả hai khối vừa đủ để tạo cân bằng về tâm lý và hình dạng thị giác của bố cục. Trên thực tế, từ bước thực hiện ý tưởng tới các bước xây dựng hoàn chỉnh cuối cùng, trải rất nhiều công đoạn, tốn kém rất nhiều công và sức của một đội ngũ chuyên nghiệp. Nếu thực hiện trên máy tính từ những bước đầu tiên tới bước hoàn chỉnh, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc công sức. Vì các phần mềm 3D trên máy tính, sẽ hỗ trợ giả lập và mô phỏng tất cả mọi thứ như ngoài hiện trường. Ta có thể đánh giá và phê duyệt chúng ngay trên máy tính với hiệu quả ngang bằng ngoài hiện trường với kích thước bằng thật. Phần mềm 3D (Zbrush) cho ta mô phỏng mọi chất liệu, môi trường, khung cảnh giống hệt ngoài thực tiễn. Có nhiều công cụ hỗ trợ đưa cụm tượng vào trong khung cảnh thật ngay trên máy tính với nhiều chiều khác nhau. Tạo phối cảnh như góc độ nhìn bên ngoài hiện thực.

Tóm lại, với một bố cục sáng tác, trong khi sắp xếp các khối mảng, ta có thể phân thành hai quy luật bố cục khác nhau. Quy luật cân bằng tĩnh và cân bằng động. Cân bằng tĩnh, bao gồm các loại đối xứng tuyệt đối, bao gồm loại đối xứng qua tâm, qua đường thẳng (trục), qua diện (hoặc mặt phẳng). Đối xứng tương đối có sự khác biệt về chi tiết giữa hai bên nhưng không phá vỡ tổng thể đăng đối.

Cân bằng động, bao gồm đa dạng các kiểu sắp xếp hình dạng thị giác trong mỗi bố cục sáng tác. Chúng là tiền đề khởi thủy cho các giá trị tác phẩm mang dấu ấn cá nhân về biểu hiện hình thức, phong cách cho mỗi tác phẩm nghệ thuật. Từ các quy luật về cân bằng, chúng ta sẽ xây dựng một số hệ thống những nguyên tắc hay quy tắc bố cục để cân bằng về nội dung và hình thức tạo điều kiện cho các kinh nghiệm cảm xúc thẩm mỹ được phát sinh và sống động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...