Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Chuyển động thị giác với không gian 3D

2.6. Chuyển động thị giác với không gian 3D trên máy tính.

Chuyển động thị giác trong bố cục tạo hình, suy cho cùng đó là chuyển động thuần túy tâm lý. Với một chuyển động thật ngoài thực tại, ta có thể diễn tả lại được chúng trên một hệ tọa độ bốn chiều. Ngoài hệ tọa độ ba chiều và thêm chiều thứ tư là thời gian để mô tả thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc chuyển động. Nhưng trong một bố cục sáng tác, không hề có khái niệm thời gian. Vì vậy khái niệm của chuyển động trong bố cục chỉ là một khái niệm thuần túy tâm lý. Chúng tùy thuộc vào sự liên tưởng của mỗi cá nhân để mô phỏng lại, liên tưởng đến, và kinh nghiệm thực tại để quyết định tới khái niệm này có tồn tại hay không trong một bố cục.

Ngoài các tác phẩm nghệ thuật, tâm lý này còn tồn tại khá rõ nét trong cuộc sống xã hội con người. Vì đặc tính của nó thuộc về tâm lý, nên nó tồn tại ở cả hai loại tâm lý, đó là kinh nghiệm trong cuộc sống, và tâm linh qua thời gian trải dài suốt lịch sử tồn tại của con người.

  


Hình 2.26b.Mái hình đao của chùa chiền, đình miếu...

 

Về mặt tâm linh, hình ảnh kiến trúc mái đầu đao quá sức quen thuộc của đình chùa miền Bắc Việt Nam, minh chứng sự chuyển động tâm linh này tồn tại khá rõ trong cuộc sống chúng ta từ lâu. Đây là một chi tiết có kết cấu kiến trúc hoàn chỉnh trong một tổng thể kiến trúc. Chắc hẳn không phải tự nhiên chúng có cấu trúc đầu đao đó. Các miếu mạo đền chùa phía miền trong cũng có hình dạng tương tự (hình 2.26b).

Quan niệm của cha ông ta từ ngày xưa đến nay, mọi kết cấu đường thẳng chiếu trực diện vào nhà, bất kể hướng nào, sẽ tạo một chuyển động thường xuyên tác động vào nhà và gây ảnh hưởng xấu (về tâm linh) cho những người sống trong căn nhà đó. Cũng giống như một cảm giác bất an khi trước mắt mình lúc nào cũng có một cây bút chì nhọn thường xuyên chĩa vào mắt mình. Kinh nghiệm tâm lý sẽ cho rằng, có thể bất cứ lúc nào cây bút chì đó sẽ chuyển động và đâm thẳng vào mắt mình. Hiệu quả tâm lý sẽ giống hệt nhau trong cả hai trường hợp với cây bút chì. Và trong cả hai trường hợp này, người ta phản ứng đều giống nhau, tức là phải vứt cây bút chì đi hay dùng giải pháp gì đó tương tự để cây bút chì không phát tác được hiệu ứng tâm lý. Như vậy rõ ràng mái đầu đao của các đình chùa đã giải quyết được triệt để vấn đề này. Các đường thẳng của các kèo cái chính trên mái, và các góc cạnh của mái đã được chuyển hướng không đi thẳng nữa, mà chuyển thành đường cong hình lưỡi đao hướng lên trời. Do vậy sẽ tránh được tác hại cho các khu nhà lân cận lỡ bị các đường thẳng đó chiếu vào.

Còn trong cuộc sống, nếu đối diện một hình ảnh bao gồm có hình tròn nằm trên cùng một đỉnh dốc, lập tức ta sẽ liên tưởng tới một chuyển động của một bánh xe bắt đầu lao xuống dốc. Rõ ràng là xã hội đã có kinh nghiệm thực tại về sự chuyển động thật sự của một hình dạng thị giác nào đó mà không bao gồm yếu tố thời gian trong đó.

Đây là tiền đề quan trọng cho những bố cục sáng tác nhằm chuyển tải được thông điệp của chính tác giả tới người xem. Bởi vì bản chất của một tác phẩm nghệ thuật là chuyển đi một thông điệp có chủ đề rộng và bao trùm tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống con người. Những thông điệp này phải thực sự sống động, không những trong hiện tại và còn cả trong tương lai để bảo toàn sứ mạng mà nó nhận lãnh. Sự sống động theo kinh nghiệm thực tại của con người thì chúng phải có yếu tố chuyển động. Cái gì không chuyển động, cái đó chết. Bố cục tác phẩm lại hoàn toàn là những hình dạng thị giác hai chiều, ba chiều thuần túy không có sức sống. Vì vậy làm sao để biến tất cả những hình dạng thị giác đó trở thành sống động, một hình tượng nghệ thuật. Công việc sáng tác đòi hỏi một vốn sống, một trải nghiệm lâu dài của nghệ sĩ tạo hình…

Mỗi nghệ sĩ khi sáng tác đòi hỏi phải tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo ra những bố cục bao gồm nhiều tập hợp hình dạng thị giác có tính chất điển hình nhất, chung nhất, gần gũi nhất khiến cho nhiều người có thể liên tưởng và dùng kinh nghiệm của chính họ để trải nghiệm và cảm thụ tác phẩm. Trong lịch sử mỹ thuật từ trước đến nay, có lẽ con người là đối tượng được miêu tả và là đề tài sáng tác nhiều nhất của các nghệ sĩ sáng tác. Có lẽ là nguyên nhân này chăng, vì đã là con người thì phải sống, là con người thì phải chuyển động trong bất kỳ hình dạng, động tác nào… Dù ở thế dạng nào, người ta cũng có thể liên tưởng tới các động tác sắp diễn ra theo kinh nghiệm của mình.

Ngoài ra, khi kinh nghiệm trong thiên nhiên của con người cũng giúp người sáng tác dễ dàng tạo ra các hình tượng dễ liên tưởng tới sự chuyển động. Như hình ảnh một cơn sóng dữ, một trận cuồng phong làm rung cây đổ cành… Những họa tiết hoa lá chim thú, cũng một phần nào đó gây hiệu quả chuyển động bởi chúng đã quá quen thuộc với con người. Một cái lá giữa không trung cũng có sự lay động của một cơn gió nhẹ nhàng nhất. Các hiệu ứng gây nhận thức về chuyển động thị giác của đường, nét, khối đã được rất nhiều tác giả trong giới nghiên cứu phê bình mỹ thuật viết và bàn tới. Chúng phụ thuộc vào các sự tương giao với nhau theo khoảng cách, định hướng, to nhỏ, sáng tối, âm dương. Có bất cứ sự liên hệ tiên quyết nào giữa chúng, sẽ sẵn sàng có sự bùng nổ của sự chuyển động tâm lý phát sinh trong người xem theo quán tính kinh nghiệm của thực tại. Sinh viên có thể tìm đọc và tham khảo về điều này từ cuốn “Tiếng nói của hình và sắc” của Nguyễn Quân…

Trên máy tính, có lẽ lợi thế nhất cũng lại là một cái nhược là sự chuyển động của khối được hỗ trợ tối đa của phần mềm. Vì vậy, ta có thể nhầm lẫn giữa sự chuyển động do máy tính tạo ra và giá trị chuyển động tâm lý thật sự của tác phẩm. Nó đòi hỏi sinh viên phải quan sát và thẩm định rất kỹ lưỡng hai giá trị chuyển động này. Một cái nhất thời, một cái là vĩnh viễn. Một cái là tâm lý, một cái là mô phỏng chuyển động thật theo thời gian. Phân biệt giữa hai cái này, có lẽ theo thời gian trải nghiệm, tính tích cực được phát huy, còn tính tiêu cực sẽ được khắc phục.

 

2.7. Sự biến hình và tính đa dạng phong phú trong cảm nhận thị giác, các quy luật về đối chiếu và liên tưởng.

Ở phần trên ta đã đề cập tới hình dạng thị giác, và một tỷ lệ vàng xuất hiện khách quan trong tự nhiên và sự vận dụng chúng trong sáng tác nghệ thuật một cách có ý thức hay tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng trong thực tế sáng tác, có nhiều nghệ sĩ không áp dụng hoặc không cần biết tới tỷ lệ vàng này. Bởi trong xã hội con người còn có nhiều mức độ chuẩn cho phép và chấp nhận được trong sáng tác. Đây cũng chính là sự mở đầu phong phú cho nghệ thuật tạo hình, cho các thủ pháp, nội dung, trường phái, phong cách…


 

Hình 2.27.

 


Hình 2.28.


Một ví dụ cho chúng ta thấy là chuẩn đẹp về nhân thể học cho con người ở các khu vực các châu lục trên thế giới hoàn toàn khác nhau. Người châu Á, tỷ lệ chiều cao là 6,5 đầu. Người châu Âu là 8 đầu…Chúng ta không thể lấy cái đẹp của người châu Âu so với người châu Á, và kết luận người châu Á không đẹp. Ta có thể suy luận với nhiều tính chất khác trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Chúng ta có thể lấy một ví dụ nữa, với loài cóc ngoài thực tế (hình 2.27), khi nhìn thấy chúng, ít ai dám can đảm lại gần, bắt chúng bỏ lên tay. Nhưng qua lăng kính nghệ thuật của các nhà điêu khắc, chúng đã trở thành những con Thiềm thừ đáng yêu ngồi chễm chệ trên các ban thờ thần Tài (hình 2.28). Với sự sáng tạo và tưởng tượng, xuất phát từ các đối tượng có thật trong cuộc sống “làm cớ” cho nghệ sĩ nghiên cứu, người nghệ sĩ có thể đã lột tả được bản chất cái đẹp của thế giới dù nó có tồn tại dưới bất kỳ hình dạng nào. Và cũng tạo một khoảng cách tâm lý khiến thực dụng không thể áp đảo được cảm xúc mỹ cảm của người xem. Đây là một giá trị hết sức nhân văn của nghệ thuật thị giác. Dù bản chất cuộc sống có tàn độc đến đâu chăng nữa, dưới con mắt của nghệ thuật, thì bản chất sâu xa hơn nữa vẫn là tốt đẹp, bởi nó đã được tạo hóa sinh ra trên thế giới này, ắt hẳn sẽ có một mặt tốt đẹp nào đó. Bản chất tốt, xấu, bi, hài, các mặt của một bản thể đã được môn mỹ học nghiên cứu dưới những phạm trù hết sức khoa học. Đó chính là cái đẹp, cái bi, cái hài, cái xấu. Nghệ thuật còn có chức năng cải tạo cái xấu để bản chất cái đẹp vốn có sẵn trong mỗi sự vật được hồi phục và phát triển. Sinh viên có thể nghiên cứu kỹ lại khi đã học qua môn mỹ học này.

Trong sáng tác, sự biến hình (hay sự đa dạng của hình dạng thị giác) và sự đối chiếu liên tưởng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tính chất sống động trong tác phẩm sẽ được cảm nhận nếu các hình dạng thị giác gợi được sự đối chiếu và liên tưởng tới một đối tượng có thật nào đó (cả vật chất và tinh thần), qua đó người xem sẽ cảm thấy tác phẩm gần gũi, và thật sự hiểu được nội dung và thông điệp của tác phẩm. Tạo được sự đối chiếu và liên tưởng, là một trong những thành công đầu tiên thu hút người thưởng thức. Bước tiếp theo chinh phục độc giả chính là thủ pháp, phong cách cũng như nội dung độc đáo cá tính của tác giả.

Trong thực tế, ngoài các hình kỷ hà cơ bản đầu tiên, thế giới thị giác còn rất nhiều hình biến thể gần gũi với chúng. Hình tròn có biến thể là hình elip, hoặc hình trứng (đầu to đầu nhỏ), trái xoan, ô-van… Còn hình chữ nhật có các biến thể là hình thoi, hình vuông, hình bình hành, hình thang…Chúng với những tỷ lệ khác nhau sẽ tạo ra muôn màu, muôn mặt, muôn hình dạng xuất hiện trong cuộc sống thiên nhiên và xã hội con người. Nắm bắt và khái quát hóa các hình dạng đó, chuyển chúng thành những tín hiệu thị giác khái quát điển hình chính xác với bản chất từng đối tượng nghiên cứu, ta sẽ chắc chắn gây được hiệu ứng đối chiếu và liên tưởng tới đối tượng đó trong thực tế.



Ta xem từ hình 2.29 => 2.35: bảy nhóm tượng dưới đây khi xem chúng ta đều có sự liên tưởng đầu tiên. Đó là các tác phẩm đều đang đề cập tới hoạt động trong xã hội loài người. Các thủ pháp thể hiện, trường phái nghệ thuật, phong cách, sự cách điệu của khối khác nhau. Dù cho các hình dạng thị giác bị bóp méo, biến dạng đến đâu chăng nữa, nhưng chúng vẫn có một điểm chung. Đó là sự liên tưởng tới các sinh hoạt xã hội con người mà không thể liên tưởng tới các loài động vật khác tương tự như con khỉ, đười ươi, hay vượn…Nguyên nhân chính là tỷ lệ của các hình trong tác phẩm đã được đối chiếu và liên tưởng tới tỷ lệ của con người. Trong các tác phẩm này, tỷ lệ giữa các khối mảng, gần giống tỷ lệ giữa các bộ phận trên cơ thể người. Nên chúng rất dễ dàng khi đối chiếu và liên tưởng tới con người. Chính vì tỷ lệ trên tác phẩm khá chính xác với tỷ lệ người thật, nên kinh nghiệm thực tại không cho phép sự liên tưởng khác với liên tưởng tới con người. Thậm chí chỉ với những khối cực kỳ đơn giản như hình 2.31 và hình 2.34, dù khối mảng có bị biến đổi cách điệu như thế nào đi nữa, nếu giữ đúng tỷ lệ như trên cơ thể con người, ta vẫn chỉ liên tưởng duy nhất tới sự hoạt động đặc trưng của con người mà tác phẩm muốn đề cập tới.


 

Hình 2.36.

 


Hình 2.37.

 

Như vậy dù với phong cách và trường phái nào đi chăng nữa, nếu không nắm bắt được bí quyết tỷ lệ. Tác phẩm rất khó thành công trong thể hiện ý tưởng và chủ đề theo đuổi. Đây là lý do vì sao trong các trường chuyên nghiệp phải có những bài học nghiên cứu cơ bản như giải phẫu học, hình họa, nghiên cứu tượng tròn, phù điêu toàn thân trực tiếp với người mẫu nude. Rất nhiều học sinh coi nhẹ những bài học nghiên cứu này. Một số sinh viên dễ rơi vào trạng thái khó khăn về tâm lý, cảm xúc thẩm mỹ không thể phát khởi nếu sinh viên không muốn học. Các trường Đại học nghệ thuật Thái Lan, thậm chí ngoài tỷ lệ mẫu người, sinh viên còn phải nghiên cứu mẫu bộ xương người thật, xương trâu bò, và các loài vật (hình 2.36 và hình 2.37). Sự sáng tạo phải được phát triển trên nền kiến thức cơ bản, đó chính là kiến thức về tỷ lệ của muôn loại, muôn vật…

Ngoài các dạng liên tưởng về tỷ lệ, còn rất nhiều sự liên tưởng khác phụ thuộc vào trải nghiệm sống và thực tế của từng cá nhân. Đó là những liên tưởng về các giá trị tinh thần. Nhìn hình vuông và hình tròn, có lẽ một số lớn sẽ liên tưởng tới câu chuyện cổ tích về Trời đất, về Lang Liêu với sự tích bánh chưng bánh dày. Trong mỗi cuộc đời chúng ta phải có những khoảnh khắc khi chứng kiến thấy một hình ảnh sâu đậm nào đó, sự kiện quan trọng nào đó thì những hình ảnh liên tưởng ào ạt kéo tới. Chỉ cần nhìn lại một bức tranh với cánh đồng lúa vàng rực, có thể với một số người, những kỷ niệm ký ức của cả một thời thơ ấu nông thôn vùn vụt kéo về. Chúng rõ ràng đến mức như một cuộn phim quay chậm hiện ra trước mắt ta. Mặc dù bình thường ta khó có thể nhớ tới chúng.

Chỉ cần coi lại một bức ký họa chân dung xấu xí của thời sinh viên năm thứ nhất, tất cả hình ảnh thời ấy lại hiện về rõ mồn một. Những vui buồn về cuộc sống tình cảm của ta sống động trở lại trong tâm trí. Khi xa quê hương, xa một mối tình, con người thường có xu hướng muốn lưu giữ những kỷ vật mà khi nhìn nó, đủ sức gợi nhớ lại những hình ảnh, sự kiện không muốn quên. Sự liên tưởng đã là bản năng tinh thần bẩm sinh của con người. Đây quả là một yếu tố hỗ trợ tuyệt vời cho các tác phẩm muốn đi vào lòng công chúng. Cách đây không lâu, một số tác giả đã sưu tập và cho triển lãm một số tác phẩm, đồ vật, tem phiếu thời bao cấp. Một thời mà chắc hẳn chưa bao xa, nhiều người còn sống hiện nay đã trải qua và lưu giữ nhiều kỷ niệm thực tại khó quên trong đó. Có lẽ đây là một ví dụ cho một sự liên tưởng có chủ đích rõ ràng của nhóm tác giả này muốn hướng tới. Chỉ cần thấy cái tem phiếu, sổ gạo thời ngày đó, cảnh xếp hàng xếp gạch mua bán với những hình ảnh liên tưởng về thời ấy không thể nào quên cho những ai đã từng sống.

Quy luật liên tưởng và đối chiếu quả hết sức quan trọng khi cấu thành giá trị nội dung hàm chứa trong nó. Một bức tranh mà không gợi được một liên tưởng nào cho người xem, qua đó gây được một sự chấn động về tâm lý thẩm mỹ thì tác phẩm có lẽ chưa thành công.

Tóm lại, muốn quy luật đối chiếu và liên tưởng phát huy hết được mặt tích cực của nó, ngoài hiểu biết và vận dụng tỷ lệ vàng, còn phải nắm được những tỷ lệ đặc thù, đặc trưng của những đối tượng mình đang nghiên cứu và sáng tác. Giữ được tỷ lệ đặc thù, thì dù hình dạng có biển đổi thế nào đi chăng nữa, có băm nát tác phẩm thành bao nhiêu mảnh đi chăng nữa, có theo trường phái nào đi chăng nữa, thì giá trị nội dung hàm chứa chủ đề và giá trị hình thức nghệ thuật của tác phẩm vẫn vẹn toàn.  Đây là một yếu tố quan trọng và tiên quyết của sự thành công trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...