Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Trường thị giác với không gian 3D trên máy tính

 2.3. Trường thị giác với không gian 3D trên máy tính.

Nghệ thuật tạo hình có hai anh em sinh đôi là hội họa và điêu khắc. Trong hội họa, hình dạng thị giác của hội họa đơn giản hơn điêu khắc. Bởi vì hình dạng của hội họa thuần túy nằm trên mặt phẳng hai chiều, khiến diễn biến tâm lý chỉ dựa trên sự sắp xếp của điểm, đường nét, diện, mảng đậm nhạt và các mảng màu. Tất cả các yếu tố đó đều nằm trên một mặt phẳng. Chiều thứ ba chỉ nảy sinh do diễn biến tâm lý liên tưởng từ kinh nghiệm thể hiện, thủ pháp, kỹ năng sáng tác của tác giả. Do vậy trường thị giác hầu như gom lại trên một diện phẳng và hẹp (phạm vi bức tranh).


 

 Còn điêu khắc, ngoài điểm, đường nét, diện, mảng, còn có thêm khối. Vì vậy hình dạng thị giác khá phức tạp hơn do thêm một chiều thứ ba trong không gian. Chiều thứ ba này khiến tập hợp khối chiếm một thể tích nhất định trong không gian và tạo một trường nhìn lớn và phức tạp hơn. Trường nhìn thị giác trong điêu khắc có thể là “n” hướng hoặc 360 độ xoay quanh bố cục tượng. Vì vậy, để tạo hiệu ứng tâm lý mỹ cảm khiến tác giả phải mất nhiều công sức cả về thủ pháp cũng như năng lực sáng tác. Mỗi một hướng là một bức tranh toàn cảnh. Nếu là một bức tượng công viên ngoài trời, tác giả phải xử lý hết sức công phu ít nhất là năm hướng nhìn vào tác phẩm. Đó là trước sau, phải trái, và trên xuống. Chỉ cẩu thả một hướng cũng có thể làm giảm giá trị hình thức biểu hiện. Trên máy tính, việc kiểm soát hình dạng khối nhiều chiều khá dễ dàng với nhiều hỗ trợ đặc trưng.

Trong một bố cục tượng tròn và phù điêu, chúng có sự cấu thành từ nhiều mảng khối khác nhau tạo nên tác phẩm. Các khối bao gồm nhiều mảng, diện, đường nét của mỗi khối quấn quít bao gồm lẫn nhau, lúc gần lúc xa, lúc to lúc nhỏ, tạo nên một trường ca về nghệ thuật sắp xếp khối mảng. Những khoảng cách giữa chúng tạo nên những lực hấp dẫn lẫn nhau (về tâm lý) để tạo nên một bố cục chặt chẽ hay lỏng lẻo, mềm mại hay cứng rắn, cách điệu cao hay tả thực, bay bổng hay lệ thuộc…tùy theo các chủ đề và tình cảm lúc tác giả theo đuổi và sáng tác. Nhưng lẫn trong đó có một quy luật khách quan là dường như có một lực hấp dẫn nào đó giữa các khối với nhau. Nếu gần nhau nó sẽ ảnh hưởng nhau, tôn nhau lên. Khi xa nhau nó sẽ làm giảm hệ quả lôi kéo, kém sức hút của mắt người xem vào tác phẩm. Chính sự sắp xếp khối xa gần nhau, tạo nên những bố cục khác nhau, mang ý nghĩa bản chất khác nhau đó, đã tạo ra một trường thị giác trong điêu khắc để thu hút con mắt người xem. Trường này nằm ngay trong khoảng không gian được giới hạn từ mắt người xem tới toàn bộ chu vi bức tượng. Tác phẩm phải tạo ra được một trường thị giác đủ sức hút, tức có một sự gắn kết hợp lý, mới có thể lôi kéo hấp dẫn độc giả. Nếu bố cục sắp xếp khối rời rạc, phi logic, gây nên sự lỏng lẻo, không gắn kết. Dẫn đến sai lạc chủ đề, không thể hiện nổi ý tưởng mà mình muốn diễn tả chắc chắn sẽ thất bại.

Trong bố cục nghệ thuật hết sức phức tạp, nó chỉ thành công khi có một sự cộng hưởng và thăng hoa giữa nội dung hàm chứa và ngôn ngữ thể hiện của khối thích hợp. Muốn tạo ra được một trường thị giác tốt, chúng ta còn rất nhiều nguyên tắc về bố cục mà ngay từ khi bước chân vào con đường chuyên nghiệp, sinh viên đã được tìm hiểu và trải nghiệm qua các bài học. Kể cả hai ngành điêu khắc và hội họa nói riêng và toàn trường nói chung. Có rất nhiều các nguyên tắc và quy luật cho bố cục tạo hình ta sẽ tìm hiểu phía dưới. Trên máy tính, để tìm được một trường thị giác tốt đơn giản hơn nhiều. Vì lý do máy tính là sự mô phỏng lại thực tế. Bản thân nó khi tạo hình, đã lược bỏ bớt các bước trung gian cho tâm lý và đôi mắt tác giả bớt đi sự tính toán xa gần trong thực tế, mà chỉ chú trọng vào hiệu quả nghệ thuật mà thôi.

Trong thực tế khi bố cục một ý tưởng, nó sẽ bị nhiễu rất nhiều. Do hoàn cảnh thực tế bên ngoài rất phức tạp. Trong tượng tròn, ngoài các mối liên hệ khối trong bố cục, nó còn bị ảnh hưởng rất nhiều của môi trường khối, ánh sáng xung quanh. Nó khiến ta mất tập trung, khó tìm tòi ra được những trường thị giác tốt, phục vụ cho mục đích hoàn thiện phác thảo hoặc tác phẩm. Như vậy các tín hiệu thị giác trên máy tính sẽ được tập trung, tạo ra được một lực thị giác hấp dẫn (cả về tâm lý và vật lý) lôi kéo người xem.

Dường như trong mỗi một bố cục cụ thể nào đó, vị trí thích hợp giữa các khối mảng diện nào đó, tùy thuộc vào các tính chất vật lý và tâm lý của chúng (như hình dạng, màu sắc, hướng, tính tình, vui mừng hạnh phúc, hay đau khổ nghẹn ngào của tác giả…) có tác dụng lớn tới bố cục. Nhiệm vụ của các nghệ sĩ sáng tác là luôn tìm kiếm các quan hệ và các khoảng cách vật chất thích hợp nhất trong quá trình sáng tạo của mình. Và trong trường thị giác đó luôn có những điểm nhấn quyết định của những khối mảng quyết định, là tâm điểm tạo sự thành công của một bố cục đẹp về hình thức, ý nghĩa về nội dung.

Như vậy một tác phẩm nghệ thuật trong thực tế hay máy tính, tính khoa học đầu tiên phải tạo được một trường thị giác hợp lý, qua đó nảy sinh một lực thị giác lôi kéo người xem, từ đó các kinh nghiệm thẩm mỹ nghệ thuật được phát sinh. Thông điệp của tác giả mới có cơ hội chuyển tải tới người xem. Tác giả và người xem đồng điệu, tác phẩm mới được coi là thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...