Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Sứ mạng đặc biệt lưu giữ các nền văn hóa theo thời gian của nghệ thuật tạo hình.

 

Sứ mạng đặc biệt lưu giữ các nền văn hóa theo thời gian của nghệ thuật tạo hình.

Xã hội đương thời đánh giá một nền văn hóa của quá khứ dựa vào những yếu tố của nghệ thuật tạo hình. Sách vở văn chương không thể tồn tại theo thời gian, do hạn chế kiến thức được viết lên các thẻ tre không thể tồn tại lâu dài với thời gian. Truyền thuyết dân gian qua nhiều đời cũng bị tam sao thất bản. Chỉ còn cách duy nhất là dựa vào điêu khắc và hội họa. Bởi chất liệu tạo ra chúng khá bền vững theo thời gian. Các chất liệu như đá, đồng nguyên chất, các bức vẽ trong hang động, đất nung như gốm sứ… đều còn rất nguyên vẹn như khi chúng mới bắt đầu được tạo ra. Rất nhiều nền văn hóa cổ xưa đã được tìm hiểu, phục dựng qua các tác phẩm điêu khắc, bức vẽ của hang động, cổ vật điêu khắc. Cả một ngành khảo cổ học đã ra đời rất lâu trên thực tế này…Một ví dụ chứng minh rõ nhất là nền văn hóa Hy Lạp rực rỡ với các bức tượng nổi tiếng của nó. Rồi văn hóa Ai Cập với những kim tự tháp.v.v…


 

Chính vì vậy, các nhà họa sĩ và điêu khắc phải nhận thức được sứ mạng vô cùng to lớn đó. Vì đây chính là sứ mạng của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng. Đây là một giá trị văn hóa quan trọng, nằm sâu trong lớp giá trị thẩm mỹ thông thường.  Mỗi tác giả phải ý thức rõ từ bản thân của mình. Đây có lẽ là một sự đòi hỏi mang tính tự giác chân chính cao nhất của mỗi con người làm nghệ thuật. Sứ mạng này vô cùng to lớn, và không phải bất cứ nghệ sĩ sáng tác nào cũng có thể đáp ứng được. Họ vừa phải vẽ theo các kinh nghiệm cảm xúc của bản thân, lại phải tự nhận thức, cá thể sáng tác của mình là một trong những yếu tố cấu thành nên một giá trị văn hóa của nền nghệ thuật của hiện tại, một đất nước, một khu vực, thậm chí cho cả một nền văn hóa tương lai mai sau.

Muốn làm được những điều này, trong họ phải tồn tại nhiều yếu tố cấu thành, cả khách quan và chủ quan. Đầu tiên, trong con người họ phải có một niềm đam mê khát vọng cháy bỏng vì nghệ thuật, không khó khăn nào có thể cản trở họ trên con đường sáng tác của mình (hay còn gọi là tố chất năng khiếu bẩm sinh). Họ là một con người giàu cảm xúc, và luôn luôn có một nguồn năng lượng bẩm sinh dồi dào nuôi dưỡng cảm xúc đó. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì vẫn không thể có khả năng trở thành một nhà nghệ sĩ. Bởi giàu cảm xúc chỉ là một điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Bởi vì cảm xúc trong con người có hai loại rõ ràng, một loại cảm xúc gọi là khoái cảm, lên xuống theo các dục vọng đời thường vì nhu cầu của bản năng và cuộc sống. Hỷ, nộ, ái, ố dẫn đến tham, sân, si của nhà Phật có thể được ví dụ trong trường hợp này. Sự hân hoan vui mừng vì cơm ngon, rượu ngọt…Sự buồn bã vì mất mát những thứ tầm thường trong cuộc sống… Lồng lộn giận hờn khi thua thiệt, si mê một thứ gì mà mình yêu thích bất chấp lẽ phải. Những thứ đó không thể làm nên tố chất của một nghệ sĩ chân chính. Cái cảm xúc mà người nghệ sĩ cần có ở đây là mỹ cảm, tức là sự rung động từ đáy lòng với cái đẹp trong cuộc sống. Nghe một bản nhạc hay, lòng ta tràn đầy cảm xúc, đọc một câu thơ hay, đối diện với một hoàn cảnh điển hình nào đó trong cuộc sống, thì luôn dậy lên một cảm thông sâu sắc… Bình thường thì cảm xúc này ai cũng có, nhưng với quá trình cuộc sống va chạm, mưu sinh, cảm xúc mỹ cảm đã lần lần bị bào mòn thui chột. Ngay cả với một số nghệ sĩ nổi tiếng, khi cảm xúc bị bào mòn, mạch sáng tác bị đứt quãng, họ phải dùng đến các cảm xúc nhân tạo để tiếp mạch dang dở. Nhà thơ Lý Bạch đã phải dùng đến rượu để tạo cảm xúc, đến nối hình ảnh bầu rượu túi thơ luôn đi cùng thi nhân. Nhà viết truyện kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung, tương truyền mỗi khi viết, ông phải dùng đến thuốc phiện. Và còn nhiều trường hợp khác nữa…

Cảm xúc thẩm mỹ liệu có thể tồn tại mãi với con người được không nếu không có sự nuôi dưỡng, chăm sóc, và phát triển nó. Thật không dễ gì để kéo dài cảm xúc này mãi mãi với con người nghệ sĩ. Người đời đã từng ví người nghệ sĩ như con tằm nhả tơ, rút từng đoạn ruột mình, và rồi đến lúc nào đó, hết tơ, con tằm sẽ chết.

Người nghệ sĩ khi có được cảm xúc thẩm mỹ rồi thì liệu có thể sáng tác được không? Vẫn chưa thể được. Vì nếu chỉ cần có cảm xúc thẩm mỹ thôi, thì hãy nhìn những đứa trẻ lên 5 tuổi. Chúng ta hẳn phải khâm phục chúng vì chỉ với một viên gạch non, chúng có thể vẽ cả ngày, bất kể nơi đâu, trên tường nhà, dưới sân gạch… mà không còn biết gì đến thế giới xung quanh với một niềm đam mê vô hạn. Ngay cả những nghệ sĩ sáng tác cũng rất thèm thuồng những cảm xúc trong vắt, không lợn cợn một chút đắng cay vui buồn của cuộc sống mà chúng chưa phải đối diện. Nhưng hãy nhìn những gì chúng vẽ, quả thật không hề có một giá trị nào về nghệ thuật cả, nội dung hời hợt. Bởi vì chúng thiếu kỹ năng vẽ, nặn (thông thường phải được học trong các trường chuyên nghiệp) và quan trọng nhất là thiếu vốn sống, mà chỉ khi lớn lên, cọ sát, hứng chịu nhiều nỗi cay đắng cuộc đời, mới hàm chứa được nội dung sâu sắc của cuộc sống. Chúng vẽ mà không biết mình đang vẽ cái gì, mục đích gì... Chính vì vậy nếu là những người không có năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật, cảm xúc trân quý này sẽ lụi tàn ngay khi chạm bước vào đời. Hiện nay các cấp giáo dục phổ thông ở Việt Nam đã thực hiện các chương trình dạy hai môn nhạc và họa từ lớp một tới hết phổ thông cơ sở. Đây là một chủ trương hết sức cần thiết nhằm giúp những em học sinh có năng khiếu bẩm sinh được học thêm kỹ năng vẽ và luôn luôn được nuôi dưỡng, chăm sóc các cảm xúc thẩm mỹ. Nếu không có được điều kiện trở thành các nhà nghệ sĩ trực tiếp sáng tác sau này, thì cũng giúp các em một trình độ nhất định nào đó, nhằm giúp xã hội có một đội ngũ khán giả có thị hiếu lành mạnh, xây dựng một môi trường tạo dựng nên giới thưởng thức nghệ thuật, tức những người am hiểu và hâm mộ nghệ thuật. Một lực lượng không thể thiếu trong các hoạt động nghệ thuật văn hóa nói chung, và mỹ thuật nói riêng, mà khi dựa vào đây, nghệ thuật sẽ được phát huy đúng chức năng, và lên ngôi cùng sứ mạng to lớn của nó.

Tóm lại muốn sáng tác được, ta cần phải có những yếu tố như năng khiếu bẩm sinh (khách quan), kỹ năng sáng tác (nhằm nắm bắt cảm xúc và có khả năng đưa cảm xúc trở thành tác phẩm bằng những kỹ thuật đã được học ở những trường nghệ thuật chuyên nghiệp). Vốn sống và sự trải nghiệm của người nghệ sĩ cũng là một yếu tố không thể thiếu. Qua cuộc sống, hai yếu tố kia cũng sẽ được nuôi dưỡng phát triển phục vụ cho quá trình sáng tác.

          Cuộc sống chính là bầu sữa mẹ không bao giờ cạn nuôi nấng, tiếp sức cho các cảm xúc thẩm mỹ trong mỗi cá nhân. Qua cuộc sống, trước mỗi hoàn cảnh điển hình nhất định, cảm xúc thẩm mỹ xuất hiện, người nghệ sĩ nắm bắt và dùng các kỹ năng sáng tác được học để thể hiện ý tưởng đó thành tác phẩm nghệ thuật. Trong hầu hết, quá trình sáng tác xảy ra như vậy. Nhưng có những trường hợp đặc biệt. Đó là các bậc vĩ nhân, họ thường tự thắp đuốc mà đi theo con đường riêng của họ chọn. Họ không cần phải học ai cả mà vẫn có những tác phẩm với đầy đủ các giá trị nghệ thuật cùng ẩn chứa sứ mạng mặc định của nghệ thuật. Chúng ta là những bậc thường nhân, vẫn cần phải học tập và kế thừa ánh sáng tri thức và kinh nghiệm sáng tác của họ.

Điển hình là trường hợp của nhà điêu khắc Michelangelo (1475-1564), điêu khắc gia nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công Giáo thời Phục Hưng. Cuộc sống và sự nghiệp của ông đã được nhiều người viết và được đưa lên trên hệ thống mạng Internet. Chúng ta có thể tìm hiểu với từ khóa “cuộc sống và sự nghiệp của Michelangelo”. Ông là một trong ba người khổng lồ của giai đoạn đầu thời kỳ Phục Hưng (từ khoảng 1420 đến 500). Hai người kia là các danh họa Leonardo da Vinci và Raffaello.

Như vậy chúng ta đã rõ một quy trình làm việc để sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng công việc tưởng như đơn giản lại không như ta tưởng. Bởi đây là một lĩnh vực hoàn toàn thuần túy về tinh thần. Mà đã là tinh thần thì không thể nhìn thấy, sờ thấy, nghe thấy và hoàn toàn mang tính chất dấu ấn cá nhân. Một tác phẩm nghệ thuật mang trên mình những đặc điểm chung đó nhưng vẫn phải thỏa các tính chất như cá tính, độc đáo về ý tưởng, cách thể hiện, có tác dụng ảnh hưởng lớn lâu dài tới xã hội hiện tại và tương lai… Tác phẩm nghệ thuật không thể sao chép ý tưởng, nội dung (đây là điểm đặc biệt khác với sản phẩm mỹ nghệ có thể nhân bản hàng loạt). Thậm chí nếu là một nghệ sĩ chân chính, ngay cả việc sao chép chính mình cũng là một điều không nên làm, chứ chưa nói tới việc đi sao chép ý tưởng của người khác.

Có lẽ đây là một yếu tố hết sức đặc biệt của nghệ thuật khiến cho việc ấn hành và phát triển các giáo trình hay sách giáo khoa trong các trường chuyên nghiệp nghệ thuật gặp nhiều khó khăn (ngoài những giáo trình nghệ thuật mang tính triết học đầu ngành). Bởi lẽ, bản chất nghệ thuật là luôn sáng tạo ra cái mới, cái riêng, cái mà chưa ai gặp bao giờ. Và những cuốn giáo trình được viết ra lại mang đậm tính cá nhân của người viết, cô đọng, đóng khuôn, đơn điệu và khuôn phép. Liệu có thích hợp với sự phát triển lôgic trong mỗi cá nhân nghệ sĩ khác. Hay nó sẽ lại là một tấm da bịt mắt con ngựa nhằm chỉ cho nó đi theo một con đường duy nhất. Điều này lại mâu thuẫn với bản chất của nghệ thuật.

Nhưng may thay, giáo trình thì ít ỏi, nhưng có rất nhiều sách tham khảo về nghệ thuật có giá trị cao cho mỗi con người, mỗi cá nhân muốn đi tìm bản chất cái đẹp trong nghệ thuật. Để có thể tìm được chân lý và cái đẹp theo các con đường khác nhau của mỗi người. Qua các sách tham khảo, vẫn có những cái chung nhất, những sợi chỉ đỏ (nguyên tắc tâm lý sáng tác chung) xuyên suốt không những trong nghệ thuật thị giác mà cả các ngành nghệ thuật khác như văn chương, trình diễn…Với mỗi một cá nhân nghệ sĩ, có thể có rất nhiều nguyên tắc áp dụng, kể cả những nguyên tắc đã học được, kể cả những nguyên tắc riêng tự đặt ra cho mình mà người khác không thể áp dụng được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...