Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Tích cực và tiêu cực của nguyên tắc khoảng cách tâm lý.

1.2.2. Tích cực và tiêu cực của nguyên tắc khoảng cách tâm lý.

Nguyên tắc này có tích cực đối với các nghệ sĩ tạo hình. Ta có thể lấy một vài ví dụ, chỉ cần ứng dụng một chút nguyên tắc này, một người bình thường nhưng có một chút tố chất sáng tác cũng có thể thành công (Tất nhiên trong giới hạn nào đó).



         Ở đời có những nhà văn, suốt đời chỉ viết được một cuốn nhưng họ rất nổi tiếng. Vì đó chính là những cuốn tự truyện do họ sống và viết lại cuộc sống của họ. Chỉ khi họ biết đặt một khoảng cách với chính cuộc đời của họ. Cuộc đời họ sẽ như một đối tượng khách quan (tức là đã có khoảng cách) để họ nghiên cứu, ghi chép, phóng tác… Đó là Nikolai Alekseyevich Ostrovsky, tác giả của cuốn "Thép đã tôi thế đấy" đã một thời là cuốn sách gối đầu giường của một thế hệ thanh niên miền Bắc vào thời gian trước 1975. Tác phẩm này đã được  dịch ra nhiều thứ tiếng.

Còn cuốn thứ hai “Papillon – người tù khổ sai” của tác giả Henri Charrière. Ông đọc một câu chuyện về cuộc sống của những người tù, và chợt nghĩ nếu viết lại cuộc đời tù ngục của chính bản thân mình, thì chắc chắn là ly kỳ, hấp dẫn hơn nhiều. Ông viết và đã thành công. Bộ phim cùng tên đã được hai nước Mỹ và Pháp sản xuất. Bài hát Papillon rất nổi tiếng trong phim vào những thập kỷ 70.

Cả hai con người trên đều rất nổi tiếng của thời đại họ đang sống. Và điều đặc biệt là cả hai chỉ viết được một cuốn hồi ký duy nhất trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của mình. Có rất nhiều người có nhiều vốn sống như hai người trên, cuộc sống kinh nghiệm có thừa, vốn sống bao la, nhưng không thể nào kể lại và chuyển thể thành tác phẩm được. Chính là vì họ không hiểu và áp dụng được nguyên tắc này. Nhiều người đã thử viết, song đều thất bại, họ đã bị chi phối của thực tại quá nhiều, họ không thể tách nổi vốn sống của mình thành một đối tượng hiện thực khách quan để nghiên cứu sáng tác.

Một số người do kinh nghiệm thực dụng đã tồn tại một quy ước hết sức chặt chẽ không thể phá bỏ được trong ý thức. Đã bình thường hóa mọi việc, đồng nghĩa với sự thui chột của sự sáng tạo. Vì vậy kinh nghiệm cuộc sống càng ngày càng dày đặc, thì nhìn ra cái đẹp trong đó cũng bị thu hẹp. Đối với một người nông dân, suốt ngày  lao động khổ cực với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, thì hình ảnh đó trở thành nỗi nhọc nhằn khổ sở do kinh nghiệm lao động đó đem lại. Người nông dân không còn thấy cái hình tượng đẹp đẽ thi vị của nó như những du khách nước ngoài lần đầu chứng kiến hình ảnh lao động này. Du khách nước ngoài thấy cảnh đẹp, do họ chưa hề trải qua lao động để có kinh nghiệm khổ cực của sự lao động vất vả này. Con trâu và cái cày là một hình tượng được nhiều tác giả nghệ thuật khai thác ở nhiều khía cạnh và rất thành công. Cả trong thơ ca, văn chương, hội họa và điêu khắc, hình ảnh con trâu và cái cày luôn thân thương, đẹp đẽ, biểu hiện cho tình yêu quê hương và đất nước.

Chúng ta cũng không còn xa lạ gì với những bức tranh tĩnh vật nổi tiếng của các tác giả nổi tiếng vẽ những đồ vật tầm thường nhất. Những khoảnh vườn sân nắng, mà bất cứ ai cũng có thể bỏ qua khi đi ngang qua chúng. Nhưng qua lăng kính tác giả, đã trở thành những tác phẩm kinh điển. Không một người bình thường nào nhận biết được những cái đẹp tiềm ẩn nơi đây. Chỉ chính là họ, những họa sĩ tài ba đã nhận ra và không thể bỏ qua chúng trong tác phẩm của mình. Và họ vận dụng được nguyên tắc này, tách chúng khỏi cuộc sống hàng ngày của chính mình, chúng sẽ trở thành một đối tượng khách quan và có cơ hội trở thành những tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Trong cuộc đời sự nghiệp sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật của mình, Leonardo da Vinci cũng chỉ có rất ít những tác phẩm nghệ thuật, hầu như mỗi lĩnh vực ông chỉ có một vài tác phẩm. Nhưng chúng vô cùng nổi tiếng và chứa đựng nhiều giá trị to lớn.

Ngoài các yếu tố tích cực trên, ta cũng cần phải tránh các tác động tiêu cực của chúng nếu sử dụng chúng thái quá. Trong thực tế, ở các lĩnh vực khác, chúng ta không thể phủ nhận nhiều trường hợp đã vận dụng thái quá nguyên tắc này. Như nhiếp ảnh gia người Mỹ, có tên Miles Morgan, 42 tuổi, đã vô cùng dũng cảm tới gần những núi lửa đang hoạt động để ghi lại những khoảnh khắc hiếm có khi núi lửa hoạt động. Phần lớn chúng ta sẽ chạy khi thấy núi lửa phun trào, nhưng những người như họ thường xuyên tới gần những núi lửa đang hoạt động để chụp những bức ảnh sống động. Và có trường hợp cả hai vợ chồng nhiếp ảnh khi đang tác nghiệp đã bị núi lửa phun trào đã cướp đi sinh mạng của họ. Chính vì họ đã để khoảng cách tâm lý quá xa đến nỗi trước mặt họ chỉ còn cái đẹp, mọi kinh nghiệm nguy hiểm của núi lửa mà họ đã nghiên cứu, từng trải đều không còn tồn tại trong ý thức họ lúc đó nữa. Và tai nạn có thể tránh được đã xảy ra. Tương tự cho các nhà nhiếp ảnh chuyên chụp các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm như vòi rồng, sấm chớp, bão tố, sóng thần… Những tác phẩm nghệ thuật sáng tác về Thiên đàng hay địa ngục, hoặc có chủ đề viễn tưởng… thường hay dễ bị sa vào lối tiêu cực này. Do kinh nghiệm con người thực tế chưa bao giờ trải nghiệm qua các cảnh giới này. Vì vậy những tác phẩm thành công trong lĩnh vực này, hầu hết đều có dáng dấp kinh nghiệm của đời sống con người hiện thực áp đặt và mô phỏng ở một mức độ nào đó vào trong tác phẩm của họ.

Một trong những sở trường của những người trong giới sáng tác nghệ thuật là họ đã biết nhìn sự vật đối tượng với một khoảng cách vừa phải, chính xác. Nghĩa là nhìn một người mẫu nude, họ sẽ nghĩ ngay đến một dáng dấp, một bố cục tạo hình đẹp, chứ không phải đó là một người nhân tình với đầy đủ tính dục trong cuộc sống. Nhìn một cây mai, là họ nghĩ ngay đến những hình thế đẹp về hình thức của nó, chứ không nghĩ là cây này sẽ bán giá được bao nhiêu… thậm chí ngay cả những giấc mơ có sự vật và cảnh đẹp trong tiềm thức, cũng khiến họ nảy sinh, thai nghén cho những ý tưởng phác thảo cho một một tác phẩm tương lai.

Nếu so sánh khoảng cách giữa một tác phẩm hội họa và điêu khắc, thì điêu khắc rất dễ mắc phải nhược điểm gần thực dụng hơn (do đặc tính ba chiều của nó). Vì vậy đòi hỏi sự cách điệu dữ dội hơn các tác phẩm Hội họa. Nhằm kéo dài khoảng cách tâm lý ra xa hơn, phù hợp với đặc tính khách quan của mình. Nhờ vậy các kinh nghiệm mỹ cảm khi sáng tác và thưởng ngoạn điêu khắc sẽ được phát huy. Thông điệp của tác giả, cùng sứ mạng khách quan được chuyển tới cuộc sống xã hội.

Và đây là một ví dụ điển hình khi những chuyên gia trái ngành (chỉ là chuyên gia trong một số lĩnh vực nào đó) phân tích tranh nghệ thuật dưới góc độ khác:

 “…Thật bất ngờ khi các chuyên gia kết luận nàng Mô-na Li-da vừa mới sinh con vào thời điểm đứng làm người mẫu cho Lê-ô-na đơ Vanh-xi vẽ tuyệt tác này. Với công nghệ hiện đại (như máy quét 3 chiều) cho phép nhìn rõ hơn từng chi tiết của bức tranh, thường bị che khuất dưới lớp sơn dầu, các chuyên gia phát hiện bên ngoài chiếc váy nàng Mô-na Li-da đang mặc phủ một lớp canvas mỏng tang. Đây là loại váy dành cho phụ nữ I-ta-li-a ở đầu thế kỷ 16, mặc khi đang mang thai hoặc vừa mới sinh con. Các chuyên gia kết luận bức tranh của Lê-ô-na đờ Vanh-xi được vẽ để kỷ niệm lần sinh con trai thứ hai của nàng Mô-na Li-da, và nhờ đó họ có thể xác định chính xác hơn thời điểm vẽ tranh, đó là khoảng năm 1503. Người phụ nữ trẻ với nụ cười bí ẩn này được xác định là Li-xa Ghê-ra-đi-ni (Lisa Gherardini), vợ của thương gia người Phlo-ren-ti-na (Florentine), ông Phran-che-xcô đơ Giô-công (Francesco de Giocondo). Lần đầu tiên, người ta phát hiện tóc nàng Mô-na Li-da được cuộn thành búi ở phía sau chứ không phải có vẻ buông xõa như bức tranh hiện nay. Phát hiện này giải tỏa những tranh cãi trước đây, rằng chỉ có con gái hay phụ nữ "hư hỏng" mới xõa tóc ở thế kỷ 16, nhưng Mô-na Li-da là một phụ nữ đức hạnh. Trong bức tranh, có một vật giữ ghế của nàng Mô-na Li-da, và nàng không ngồi tựa vào sau ghế như mọi người vẫn nghĩ mà đứng thẳng. Các nhà nghiên cứu cũng không thấy vết bút lông vẽ và cho rằng có thể Lê-ô-na đờ Vanh-xin đã dùng ngón tay để thể hiện kiệt tác này

Vì vậy khi vận dụng nguyên tắc này, ta phải thấu đáo khai thác tính tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực, để có thể cho ra được những tác phẩm với nội dung và đầy đủ ý nghĩa sứ mạng cao cả của nó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...