Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Nguyên tắc khoảng cách tâm lý trong sáng tác và thưởng ngoạn nghệ thuật

1.2. Nguyên tắc khoảng cách tâm lý.

1.2.1. Xác định một khoảng cách tâm lý trong sáng tác điêu khắc.

Đây là một nguyên tắc quan trọng trong sáng tác và thưởng ngoạn. Trong lúc sáng tác (hay thưởng ngoạn) hãy đẩy xa đối tượng (tác phẩm) một khoảng cách hợp lý. Đừng để khoảng cách đó quá gần, hiện thực sẽ nhấn chìm cảm xúc mỹ cảm. Nhưng cũng đừng để xa quá, sự viển vông không tưởng cũng sẽ nhấn chìm các kinh nghiệm mỹ cảm của mình đã từng tích lũy qua trải nghiệm, và không thể phát huy được trong sáng tạo. 


 

Trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc nói riêng, nguyên tắc này vô cùng quan trọng. Phân biệt giữa người có chuyên môn sáng tác và các đối tượng hâm mộ chuyên môn. Bởi giữa hai đối tượng giống nhau ở chỗ đều say mê đến cuồng nhiệt chuyên môn nghệ thuật. Nhưng một bên thì sáng tác được, một bên thì không. Điển hình là trong mỹ thuật phân hóa thành ba giới trong một đội ngũ, và không thể thiếu nhau trong các hoạt động của lĩnh vực mỹ thuật (theo quan điểm riêng của người viết).

Giới thứ nhất gồm các nghệ sĩ tạo hình là các nhà điêu khắc, họa sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Giới này bao gồm hai loại: Một là những bậc cao nhân, có năng khiếu bẩm sinh, tự thắp đuốc soi sáng con đường sáng tác nghệ thuật của mình. Hai là những bậc thường nhân, soi nhờ đuốc của người khác, học tập rèn luyện, cuối cùng tự đốt được ngọn đuốc của tự ngã, đi lên bằng chính đôi chân của mình. Giới thứ nhất này chính là những tác giả sáng tác những tác phẩm nghệ thuật để đời, tồn tại với thời gian.

Giới thứ hai là các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật. Giới này chính là giới đã có công lao khai thác, tìm hiểu các tác phẩm của giới mỹ thuật, tìm ra được các lớp giá trị thứ tư tiềm ẩn trong các tác phẩm nghệ thuật. Như trên đã nói, lớp giá trị này ngay cả tác giả cũng không cảm nhận được trong tác phẩm của mình. Đó là tác dụng lâu dài của tác phẩm đối với sự phát triển của con đường nghệ thuật, sứ mạng của nó đã thành công với tương lai ra sao… Chính là nhờ sự khai quật của các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật. Công lao của các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật rất lớn. Nếu không có giới này, cũng sẽ không có lịch sử phát triển nghệ thuật, sẽ không có các trường phái lớn trên thế giới xuất hiện. Họ đã lưu trữ, phân tích, sắp xếp, phân loại nội dung, thủ pháp, các phương pháp sáng tác, sau đó tổng kết và đưa ra những nhận định mới với những kết luận chính xác.

 Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng, hai cái tên nổi bật nhất trong “làng” nghiên cứu phê bình mỹ thuật Việt Nam hiện tại. Cùng trong thời gian qua, hai ông lần lượt cho ra hai cuốn nghiên cứu: “Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20” (Nguyễn Quân) và “Văn minh vật chất người Việt” (Phan Cẩm Thượng) - thêm đóng góp lớn lao cho nền nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Riêng Nguyễn Quân đã cho ra mắt các cuốn “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại” (NXB Văn hóa 1982); “Ghi chú về nghệ thuật” (NXB Văn hóa 1990, NXB Trẻ 2008); “Tiếng nói của hình và sắc” (NXB Văn hóa 1986); “Con mắt nhìn cái đẹp” (NXB Mỹ thuật 2004), “Mỹ thuật của người Việt” (1989).

Các tác giả là các nhà họa sĩ, điêu khắc không thể làm được chuyện này, đơn giản là nhiều người trong số họ sáng tác tức thời theo cảm xúc, theo con tim mách bảo, theo vốn sống họ đã trải nghiệm, theo sở thích cá tính của họ muốn… Chứ không bao giờ một nhà điêu khắc lại tự ý thức khi đang sáng tác, mình phải theo trường phái này hay kia. Điều này sẽ hạn chế sự sáng tạo của họ xuống mức thấp nhất. Trong lúc vẽ, rõ ràng Pablo Ruiz Picasso và Georges Braque không thể ý thức được rằng hai ông đang sáng lập ra trường phái Lập thể trong tương lai gần của hội họa và điêu khắc trong những quãng thời gian sau đó.

Giới thứ ba chính là lực lượng đông đảo những người hâm mộ nghệ thuật. Họ tạo ra một môi trường nuôi dưỡng, động viên, nhắc nhở, giúp đỡ, tài trợ… cho hai giới trên làm việc với tính thần tốt nhất, hiệu quả nhất. Đại diện cho giới này là các nhà sưu tập tranh lớn nhỏ trên thế giới, là hệ thống các bảo tàng Mỹ thuật thuộc nhà nước hay tư nhân trên khắp thế giới.

Nhưng điêu khắc có những tính chất nghệ thuật đặc thù riêng so với các ngành nghệ thuật anh em. Nó có những đặc điểm rất chung của các ngành nghệ thuật khác, nhưng lại có những yếu tố rất riêng không thể trộn lẫn vào đâu được. Thường khi coi một bộ phim, hay đọc một cuốn sách hay, ta rất dễ liên tưởng, ta đang sống trong thực tế đó, và có thể khoảng cách tâm lý đã bị đặt quá gần. Vì vậy ta có thể khóc hay cười cùng với nhân vật hư cấu trong đó. Do vậy các loại hình này có nhược điểm khách quan là dễ kéo ta nhập vào những hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm mà không dễ nhận ra được thông điệp hay chân lý của nghệ thuật gửi gắm trong đó. Hệ quả dễ dẫn đến người thưởng ngoạn không phân biệt được ranh giới cảm xúc của mình, đâu là nghệ thuật, đâu là cuộc sống. Họ có thể mang súng bắn vào diễn viên kịch nói đóng vai ác (đã từng xảy ra trong lĩnh vực kịch nói ở miền Nam, trước 1975). Hoặc có thể ném đá vào diễn viên điện ảnh ngoài đường phố nếu người này đóng vai xấu trong phim làm cho họ ghét. Và có cả những phiên tòa kết án những bức tranh nghệ thuật có giá trị cao nhất với lý do phá hoại thuần phong mỹ tục (bức họa Maja khỏa thân của họa sĩ Francisco Goya…). Tác phẩm văn học “Bức họa Maja khỏa thân” của nhà văn Mỹ - Samuel Edwards, khắc họa sinh động về sự kiện có thật này.

Đó là đối với các loại hình nghệ thuật động. Các loại hình tĩnh ít dẫn đến sự nhầm lẫn trên hơn. Khi coi một tác phẩm hội họa về chủ đề nude. Ít ai lại tưởng tượng là bức tranh đó là người thật để mà ôm ấp, vuốt ve…vì bức tranh là hai chiều, hiện thực là ba chiều. Người ta coi và thưởng thức bức tranh với những ý tưởng thuần về phân tích và thưởng thức thông điệp nghệ thuật mà tác giả gửi gấm. Âm nhạc và thơ ca cũng là những loại hình nghệ thuật động ít bị hiện thực hóa hơn kịch nói và phim ảnh. Đó là nói chung, khi nghiên cứu sâu sẽ còn gặp nhiều điều phức tạp hơn.

Điêu khắc có đầy đủ các tính chất trên của các loại hình nghệ thuật. Người ta có thể thấy một bức tượng cô gái nude với sự nhẵn bóng của phần ngực. Đã có sự liên tưởng với người thật, độc giả đã thử cảm giác bằng cách ôm ấp, vuốt ve, xoa bóp… Đó là những người hâm mộ đã đặt khoảng cách quá gần, khiến hiện thực đè bẹp đi sự thưởng thức trong sáng. Lý do là ai cũng muốn sờ vào phần đó để thỏa mãn thú vui coi nó như là thật, mà quên đi hình tượng nghệ thuật, thông điệp tác phẩm mà tác giả ký thác trong đó. Những con rùa với phần đầu nhẵn thín trong Văn Miếu là nạn nhân của sự không thấu hiểu nguyên tắc này (loại trừ yếu tố tâm linh).

Ngược lại, cũng có những bức tượng bị bóp méo đến mức không còn hiểu nội dung là gì, thì khi coi người ta đứng từ xa và xem như một thông điệp của người từ hành tinh khác gửi xuống do không hiểu rõ thông điệp và ý tưởng của tác giả đưa vào bức tượng, vì vậy đẩy họ đến chỗ xa lánh bức tượng, với lý do kinh nghiệm thực tế, vốn sống không thể giải mã được bất cứ nội dung nào trên tác phẩm.

Chính vì đặc điểm dễ bị đánh đồng với hiện thực như vậy (vì bản thân nó đã mang yếu tố ba chiều), lại cũng dễ đẩy họ xa lánh tác phẩm, nên điêu khắc dễ làm lệch lạc sự thưởng thức nghệ thuật của người xem và hiểu sai thông điệp của tác giả. Một tác phẩm điêu khắc muốn thành công cần những tiêu chí gì. Nếu tác giả muốn tác phẩm là cho riêng bản thân, không muốn công bố hay triển lãm thì không nói. Nhưng nếu muốn công bố và được sự công nhận của xã hội, họ phải đạt được tiêu chí làm sao đừng cố đẩy người thưởng ngoạn liên tưởng đó là hiện thực cuộc sống (khiến khán giả tưởng là minh họa một sự kiện nào đó trong cuộc sống), và thông điệp nghệ thuật tác giả gửi trong đó sẽ không được người xem nhận ra, hoặc không được tạo điều kiện cho quần chúng nhìn tác phẩm với khoảng cách tâm lý thoát khỏi hiện thực quá xa và coi đó là một thứ dị dạng bí hiểm, không liên tưởng được với bất kỳ thứ gì trong cuộc sống. 

Họ sẽ cảm thấy xa lạ và né tránh tác phẩm... Với trường hợp sau, họ dễ đánh đồng đó là một tác phẩm của người ngoài hành tinh với nền văn minh xa lạ. Và thông điệp nghệ thuật gửi đi của tác giả cũng sẽ lại thất bại. Đến đây chắc ta sẽ thấy các pho tượng khi có nội dung hàm chứa cuộc sống con người, thì hình thức thường hay bị bóp méo đi về tỷ lệ. Tượng các cô gái ngồi hay bị kéo dài phần lưng, sự cách điệu của tượng cũng góp phần đáng kể giảm đi lỗi của nguyên nhân thứ nhất. Còn lỗi thứ hai cũng rất hay gặp phải với điêu khắc gia tự cho mình vượt lên mọi khuôn khổ trong cuộc sống, nguyên tắc nghệ thuật để đi tìm những ý tưởng mới lạ cho riêng mình. Sự thành công hay thất bại của họ sẽ có một hội đồng nghệ thuật tương lai phán xét. Nếu thành công họ sẽ được vinh danh. Còn thất bại cũng không sao, vì con đường nghệ thuật không trải đệm cho bất cứ ai. Trong lịch sử nghệ thuật tạo hình có vô vàn các tấm gương thành công và thất bại của các bậc tiền bối. Nghệ thuật điêu khắc hết sức khó sáng tác và gai góc là thế. Không cẩn thận tác phẩm nghệ thuật sẽ đưa người ta vào hai thái cực, và cả hai thái cực này sẽ dẫn đến sự thưởng thức tiêu cực cho người xem làm hạ đi giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm.

Ngay cả trong nghiên cứu hay sáng tác cũng vậy. Ta lấy một ví dụ điển hình cho dễ hình dung như khi sinh viên làm một bài nghiên cứu mẫu nude. Lúc này, nếu sinh viên chưa có kinh nghiệm sẽ có hai tình huống xảy ra:

Thứ nhất là nhìn mẫu nude với một con mắt trần tục, sẽ thấy nhục dục bị kích thích. Hoặc e lệ, xấu hổ, không dám tiếp xúc và nghiên cứu đối tượng. Các liên tưởng dẫn tới hiện thực hóa này sẽ làm tâm lý được nẩy nở theo chiều hướng xấu (như dẫn đến muốn quan hệ thỏa mãn xác thịt tầm thường với người mẫu, hoặc tâm thần bất định do xấu hổ…), đều khiến các hoạt động sáng tác nghệ thuật thất bại. Vì loại hình của chúng ta là điêu khắc tạo hình, tức chỉ chú trọng các đường nét, khối hình, mảng miếng dựa trên cơ sở của người mẫu để chắt lọc theo các tiêu chí của cái đẹp về hình thể thuần túy chuyên môn.

Tình huống thứ hai, là ngược lại, nếu ta coi mẫu thật đó chỉ là một tượng thạch cao, một thứ đối tượng vô tri vô giác, thì ta đã tự đẩy xa khoảng cách tâm lý của ta quá xa đến nỗi ta không còn sự rung động của cái đẹp, của hơi thở cuộc sống, cái thức ăn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo, cái mà bất cứ tác phẩm nào thiếu, đều dẫn đến hậu quả bài vở khô không khốc, vô hồn.

Và tự tay ta đã bóp chết cảm hứng sáng tạo… Người biết sáng tác phải biết đẩy khoảng cách tâm lý ở mức vừa phải, không xa quá và không gần quá với đối tượng muốn nghiên cứu. Sinh viên mỗi khi làm bài sáng tác hay nghiên cứu, khi thầy hướng dẫn nhận xét là bài khô khan và vô hồn thì đó là một tín hiệu xấu cảnh báo cho phương pháp sáng tác của họ.

Nghệ thuật nhiếp ảnh cũng có những khó khăn tương tự. Giữa cái đồi trụy (do xã hội ngộ nhận) và cái nghệ thuật chỉ cách nhau mỏng manh như sợi tóc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...