Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

Cấu trúc các lớp giá trị của một tác phẩm nghệ thuật.

Cấu trúc các lớp giá trị của một tác phẩm nghệ thuật.

Một tác phẩm nghệ thuật thường có nhiều lớp tồn ẩn bên trong nội tại của nó. Lớp đầu tiên nhất là giá trị vật chất tạo nên nó, bao gồm nguyên vật liệu, công sức vật chất tạo ra tác phẩm. Giá trị thường không bao nhiêu, và cách thức tạo ra chúng thường không tốn nhiều sức lực. (ví dụ như vẽ một bức tranh, không thể tốn sức hơn một bác thợ rèn khi làm ra một con dao sắt). Nhưng giá trị tinh thần tiềm ẩn tính văn hóa của nó là vô cùng quan trọng và lớn lao.


 

Ta hãy lấy ví dụ một quả cam để so sánh cho dễ hiểu. Lớp thứ nhất ngoài cùng là một lớp vỏ màu vàng,  bất cứ ai nhìn vào, không cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ với một chút ít kinh nghiệm cuộc sống cũng có thể nhận thấy hết sức rõ ràng. Đó là nội dung, hình hài, cốt truyện, những gì mắt thấy tai nghe, sờ mó trực tiếp trên tác phẩm, là chất liệu của các tác phẩm hội họa và điêu khắc…

Lớp thứ hai của quả cam là cùi màu trắng, đã ẩn hiện một thông điệp nghệ thuật không phải ai cũng thấy, chỉ những độc giả có trình độ hiểu biết về thưởng thức nghệ thuật, những nhà chuyên môn lý luận mới có thể nhìn và luận giải ra được. Đây là một thông điệp, chủ đề, cảm xúc thẩm mỹ của chính tác giả muốn gửi gắm đến độc giả…

Lớp thứ ba là những múi cam mọng nước, bao bọc những hạt mầm bí ẩn dành cho tương lai. Những vui buồn, chua ngọt hay đắng cay, chỉ có bản thân tác giả mới có thể thấu hiểu. Không dễ gì người bình thường và các nhà chuyên môn có thể hiểu. Ví dụ câu đố bí ẩn trong vở bi kịch Hamlet của nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare (1564-1616). Câu đố đó hiện nay chưa ai giải đáp được, nó như một bức màn sương mờ phủ lên toàn bộ tác phẩm. Câu đố này đã được nhà tâm lý học Vugotski đề cập đến trong cuốn Tâm lý học nghệ thuật của ông. Trong giới nghiên cứu nghệ thuật trong và ngoài nước, không ai không biết câu đố bí hiểm này. Nó tồn tại cho đến tận ngày nay và vẫn chưa hề có lời giải đáp. Nó khiến toàn bộ vở bi kịch diễn ra dưới một bức màn sương mù bí ẩn đầy văn hóa của câu đố.

Lớp thứ tư của quả cam là những cái tép và hạt của nó. Đến lớp này thì có khi ngay cả tác giả của nó cũng không thể nhận biết được mà phải là những nhà nghiên cứu xã hội, văn hóa và nghệ thuật đời sau đánh giá, nhận xét, và phát hiện ra chúng mà thôi. Ví dụ rõ nhất là với họa sĩ Vincent van Gogh.

Theo wikipedia.org thì “Thời thanh niên, Van Gogh làm việc trong một công ty buôn bán tranh, sau đó là giáo viên và nhà truyền giáo tại một vùng mỏ nghèo. Ông thực sự trở thành họa sĩ từ năm 1880 khi đã 27 tuổi. Thoạt đầu, Van Gogh chỉ sử dụng các gam màu tối, chỉ đến khi được tiếp xúc với trường phái ấn tượng (Impressionism) và tân ấn tượng (Neo-Impressionism) ở Paris, ông mới bắt đầu thay đổi phong cách vẽ của mình. Trong thời gian ở Arles miền Nam nước Pháp, Van Gogh kết hợp các màu sắc tươi sáng của hai chủ nghĩa này với phong cách vẽ của mình để tạo nên các bức tranh có phong cách rất riêng. Chỉ trong 10 năm cuối đời, ông đã sáng tác hơn 2000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1100 bức vẽ hoặc phác thảo. Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh được sáng tác vào hai năm cuối đời, thời gian ông lâm vào khủng hoảng tinh thần tới mức tự cắt tai bên trái của chính mình. Sau đó Van Gogh liên tục phải chịu đựng các cơn suy nhược thần kinh và cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình.”

Như vậy sau khi ông mất, cũng theo wikipedia.org thì “Trường phái Dã thú (Fauvism) như Henri Matisse và các họa sĩ thuộc trường phái Biểu hiện Đức thuộc nhóm Die Brücke. Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng trong nghệ thuật thập niên 1950 cũng bắt nguồn từ việc phát triển các ý tưởng sáng tác của Van Gogh. Năm 2004, trong Danh sách những người Hà Lan vĩ đại nhất trong lịch sử (De Grootste Nederlander) do đài KRO tổ chức, Vincent Van Gogh được xếp thứ 10 và là nghệ sĩ có thứ hạng cao thứ 2 trong danh sách, sau họa sĩ Rembrandt xếp thứ 9”.

Rõ ràng là ngay khi lúc còn sống, Van Gogh không thể nghĩ những tác phẩm nghệ thuật của mình đã mở đầu cho nhiều trường phái nghệ thuật như thế. Cái lớp giá trị thứ tư bí ẩn đã tác động một cách nhiều mặt và nhiều dạng phong phú đến sự nhận chân, kế thừa và thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật cho các thế hệ đi sau. Còn rất nhiều những tấm gương khác nữa giống như vậy trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...