Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Nghệ thuật - mục đích thực dụng và kinh nghiệm trong cuộc sống

1.2.3. Nghệ thuật - mục đích thực dụng và kinh nghiệm trong cuộc sống.

Trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật từ trước tới nay, trong bảy lĩnh vực nghệ thuật đều có nội dung xuất phát từ cuộc sống xã hội con người. Ngay cả các thể loại tôn giáo, viễn tưởng… cũng đều lấy chất liệu cuộc sống con người để mô phỏng ra các thế giới tưởng tượng khác. Giới nghệ sĩ khi sáng tác theo phương pháp kinh điển là đi thực tế theo chủ đề, tìm mọi hình tượng, động tác, sau đó chọn những động tác điển hình nhất cho chủ đề, có dáng thế đẹp nhất làm nguyên vật liệu chế tác thành tác phẩm. Lúc này, chất liệu là cái ai cũng biết, nhưng tác phẩm đã qua lăng kính của tác giả, qua cách nhìn riêng, phong cách riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân, và trở thành một cái hoàn toàn mới. Họ đã tổng hợp cái mới từ những nguyên liệu cũ kỹ. Đây mới chính là giá trị của tác phẩm và thấy được sự sáng tạo ra cái mới của mỗi tác giả. Nhưng cũng chính nhờ những nguyên vật liệu cũ đó mà độc giả mới có thể lãnh hội được tác phẩm. Mới có thể thấy được thông điệp, ý nghĩa, nội dung mà tác giả muốn gửi gấm. Vì vậy hai vấn đề này phải được nhìn nhận đúng đắn trong sáng tác mới có thể đạt được thành công nào đó về chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung. Một khoảng cách gần như xa, xa tợ gần. Nhưng không được mơ hồ lẫn lộn.


 

Chu Quang Tiềm đã viết: “Trong kinh nghiệm mỹ cảm, một mặt chúng ta phải vượt lên trên hay ra ngoài cuộc sống thực tế, một mặt lại phải bám vào thực tế, một mặt phải coi như không có Ta. nhưng một mặt lại phải đem những kinh nghiệm của ta soi rọi vào tác phẩm, như thế không phải là một sự mâu thuẫn sao? thật ra vẫn có một sự mâu thuẫn, cho nên Builcuth gọi đó là "mâu thuẫn của khoảng cách" (The Antinomy of Distance), sự sáng tạo cũng như thưởng ngoạn có thành công hay không, là cứ xem cách bố trí sự mâu thuẫn về khoảng cách có thỏa đáng hay không. Như khoảng cách quá xa thì kết quả là không lãnh hội được, còn khoảng cách quá gần, thì sẽ bị động cơ thực dụng áp đảo đánh mất mỹ cảm. Cho nên lý tưởng tốt nhất của nghệ thuật là làm sao khoảng cách tợ hồ như gần nhưng là xa hay như xa mà lại gần.”

Trong lịch sử Mỹ thuật nước nhà, trong khoảng thời gian 1935-1936, xuất hiện sự tranh luận (bút chiến của Hải Triều và Hoài Thanh) giữa hai trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Hay có thể nói nôm na là hai dòng văn học theo hai trường phái chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa tả thực.

Theo Chu Quang Tiềm: “Chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa tả thực đối với khoảng cách, một bên thì quá xa, một bên lại quá gần. Nghệ thuật nói chung là phải có một phần cận tình cận lý nhưng một phần khác lại không được cận tình cận lý. Phần cận tình cận lý là khoảng cách không đến nỗi quá xa có thể người mới dễ lãnh hội và thưởng ngoạn, còn phần không cận tình cận lý là khoảng cách hơi xa ra, có thể mới khiến người thưởng ngoạn không đi tư thế giới mỹ cảm đến thế giới thực dụng. Phàm là nghệ thuật đều phải có ít nhiều lý tưởng tính, đều là phản nghịch lại với chủ nghĩa tả thực. Nói như thế không có nghĩa là tất cả những sự kiện có tính cách hiện thực đều không thể dùng làm tài liệu tạo nên nghệ thuật. Những sự vật trong thế giới hiện thực dù có liên quan mật thiết đến thực dựng, khoảng cách quá gần, nhưng một khi đã qua bàn tay cắt xén chọn lọc của nhà nghệ thuật thì những tài liệu ấy lại trở nên có một khoảng cách thích đáng.

Như vậy theo quan điểm của nguyên tắc này, ta sẽ có được một khoảng cách tâm lý vừa phải cho mỗi chủ đề, cho mỗi ngôn ngữ chất liệu, cho mỗi loại hình… sao cho phù hợp khiến cho tác phẩm của ta đừng gần quá đến nỗi độc giả bị cái thực dụng áp đảo khiến không thể nhận ra được hàm ý cái đẹp, cái mỹ cảm trong tác phẩm. Và đừng quá xa vời khiến độc giả không thể hiểu nổi nội dung là gì do không có nổi một chút khái niệm, kinh nghiệm gì về nội dung đó. Đọc tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du - một tác phẩm khá lâu đời trong thời điểm hiện nay. Khi đọc tập thơ trên, phần chú thích đã gấp đôi phần thơ. Lý do chính vì thời đó quá xa thời ta đang sống, những kinh nghiệm thực tế trong đó không thể nào dùng kinh nghiệm thời ta sống mà hiểu được. Để muốn hiểu và thưởng thức được cái hay, đẹp của thời ấy, bắt buộc phải có nhiều chú giải để độc giả hiểu thêm kinh nghiệm thực tế của thời đó. Còn những tác phẩm thời nay không hề có nhiều chú giải đến vậy.

Trong thời đại hiện nay, với sự góp sức của công nghệ thông tin, công việc sáng tác của các văn nghệ sĩ đã có ít nhiều bị ảnh hưởng, và đang có phần lưỡng lự trong phần kỹ thuật, kỹ năng sáng tác. Nên đi theo thủ pháp, kỹ năng cổ điển truyền thống, tức dùng những công cụ thủ công như cũ hay là theo những công cụ hỗ trợ hiện đại mà sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật đem lại. Hiện tại là một bước chuyển giao nên sẽ có nhiều đột phá lớn trong sáng tác nghệ thuật của thế giới, và sẽ không ít tác giả, độc giả có cách nhìn khác với những cách tân mới, theo xu hướng phát triển khách quan.

Trong lĩnh vực điêu khắc, khi máy in 3D ra đời, nó sẽ là một bước đột phá trong công cuộc đào tạo nghệ thuật điêu khắc. Ít nhất các công đoạn làm phác thảo sẽ có hai lựa chọn cho sinh viên, theo cách truyền thống và theo cách sử dụng công nghệ thông tin.


 

Với sự quan trọng của công việc tìm ý tưởng và thể hiện phác thảo nhỏ (hình 1.6). Chúng ta hoàn toàn có thể làm trên máy và in phác thảo thành một tượng 3 chiều hoàn chỉnh thực qua máy in 3D. Sự sáng tạo là không giới hạn với các nghệ sĩ tạo hình. Và với sự hỗ trợ mới từ các công nghệ mới chắc chắn sẽ mở đường cho một trào lưu mới trong sáng tác nghệ thuật điêu khắc. Hiện nay trong các chuyên ngành xã hội đã có sự ứng dụng của máy in 3D hết sức ấn tượng. Trong kiến trúc, người ta đã thiết kế nhà cửa trên máy tính (ngành nghệ thuật thứ nhất này đã áp dụng thiết kế trên máy tính, và gần đây là máy in 3D) và đã in (3D) hàng loạt các sản phẩm bằng thật để đem áp dụng vào cuộc sống.

Ngành y đã ứng dụng in 3D để sản xuất các bộ phận con người nhằm từng bước nghiên cứu thay thế chúng trực tiếp trên cơ thể. Ngành Mỹ thuật công nghiệp trên thế giới đã ứng dụng in 3D, sáng tác trực tiếp các tác phẩm, hoa văn trang trí…và in 3D bằng các chất liệu kim loại, gắn chúng ngay tại hiện trường. Trên các công trình văn hóa và kiến trúc lớn… Cho đến bây giờ, điêu khắc có một thuận lợi hết sức là có thể kế thừa bề dày kinh nghiệm hơn 10 năm qua của các sự đột phá nghệ thuật nhờ công nghệ mới này.

Chính vì vậy, các siêu phẩm điện ảnh trên thế giới, với sự thành công rực rỡ về chất lượng nghệ thuật, bên cạnh đó là sự đóng góp to lớn của đội ngũ các nhà thiết kế mô hình bằng các phần mềm 3D, điển hình là Zbrussh trên máy tính.

 Hiện nay, đội ngũ thiết kế 3D trên máy tính trên thế giới, phần lớn không phải là những nhà điêu khắc chuyên nghiệp. Họ không được học tập các kỹ năng, kỹ thuật sáng tác. Họ không hiểu về nghệ thuật bố cục, các nguyên tắc và quy luật sắp xếp khối, mảng, họ thiết kế và sáng tác theo những cảm nhận riêng và theo đơn đặt hàng. Vì vậy chắc chắn chất lượng nghệ thuật không cao. Đây cũng là một khách quan, bởi họ chỉ là những kỹ thuật viên, sử dụng thành thạo kỹ thuật máy tính, am hiểu phần mềm 3D, và mày mò tự thiết kế. Nhưng trong tương lại không xa, một đội ngũ các nhà họa sĩ điêu khắc trẻ. Có chuyên môn sáng tác, nắm trong tay một công cụ mạnh mẽ với nhiều tính năng, hỗ trợ mạnh cho công việc sáng tác. Họ thành thạo sử dụng các phần mềm 3D trong đó có Zbrussh, sẽ tạo nên một cơn địa chấn lớn trong nghệ thuật Điêu khắc. 


 

Tóm lại, tâm lý sáng tác nói chung giữa các ngành nghệ thuật đều có một sợi chỉ đỏ xuyên xuốt. Nhưng trong Điêu khắc, sáng tác trên máy tính sẽ có một lợi thế về khoảng cách tâm lý để tác phẩm có thể đạt được nhiều yêu cầu chất lượng về nội dung hiện thực cũng như nghệ thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...