Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

Khái quát về các thành phần ngôn ngữ cơ bản của nghệ thuật tạo hình trong không gian

2.9. Khái quát về các thành phần ngôn ngữ cơ bản của nghệ thuật tạo hình trong không gian. Hình khối và không gian trên máy tính.

2.9.1. Khái quát về nội dung hàm chứa, biểu cảm nghệ thuật của ngôn ngữ khối trong điêu khắc nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

Như ta đã biết, bất cứ một sản phẩm chung nào do con người tạo ra đều hàm chứa hai giá trị chính là giá trị nội dung và và giá trị hình thức. Để hiểu rõ hơn ta sẽ lấy một vài ví dụ.

Trong lĩnh vực kiến trúc, người ta chia ra một số loại công trình theo giá trị tăng dần của mặt hình thức nghệ thuật, và đương nhiên giá trị kỹ thuật, công năng sử dụng cũng lần lượt giảm theo và biến thành một giá trị tinh thần khác.

Thứ nhất là công trình đường xá. Đây là một loại công trình trong kiến trúc mang nặng tính kỹ thuật, chủ yếu có giá trị về mặt công năng sử dụng. Đường xá phải có kỹ thuật cao, bền vớí mưa nắng, tải trọng nặng của xe cộ…Vì vậy hình thức của nó ít được coi trọng trong khi làm đường. Tức là giá trị công năng rất cao, còn giá trị về hình thức nghệ thuật hầu như chẳng có gì. (Nếu gắn chúng với không gian xung quanh thì khác, nhưng trong ví dụ này ta không xét tới chúng)

Thứ hai là công trình cầu cống, đập nước, thủy điện, giá trị kỹ thuật và công năng sử dụng vẫn là tính sống còn. Tuy nhiên yêu cầu về hình thức nghệ thuật cũng đã cao hơn đường xá.

 


Hình 2.46.

 

Hình 2.47.

Hình 2.48.

   

                                                        Hình 2.49.                                                        

 

Thứ ba là công trình cho các khu công nghiệp. Chúng cần kỹ thuật chuyên môn dây chuyền nhiều hơn. Tuy nhiên chúng cũng cần phải có thêm giá trị về hình thức nghệ thuật nhưng không đòi hỏi khắt khe. Nếu cần thì các ưu tiên về các giá trị kỹ thuật vẫn được coi trọng hơn giá trị nghệ thuật. Thứ tư là nhà ở, mà ta hay gọi là các công trình cấp 4. Nhà ở là một công trình khá đặc biệt trong kiến trúc, nó đòi hỏi kỹ thuật và hình thức nghệ thuật phải tương đương nhau. Bởi con người ta sống và gắn bó trong môi trường này suốt cả cuộc đời mình.

Con người thường có tâm lý đòi hỏi cả nhu cầu về vật chất và tinh thần là như nhau. Nhiều nơi kiến trúc nhà ở phản ánh văn hóa của xã hội nơi vùng miền đặc trưng đó. Hình 2.46 là một ngôi nhà được thiết kế tại khu vực châu Á, có khí hậu nóng và ẩm nhiệt đới, mưa nhiều.

Thứ năm là các công trình lớn hơn nhà ở. Đó là các công trình cần giá trị hình thức nghệ thuật nhiều hơn giá trị công năng một chút như bệnh viện, trường học…

 Thứ sáu là các loại nhà cần có giá trị cao về văn hóa tinh thần và các giá trị hình thức nghệ thuật. Đó là các loại nhà hát lớn, đền đài, miếu mạo, chùa chiền… Vì chúng có tính chất thuần túy về hoạt động văn hóa tinh thần nên cần có hình thức đẹp và chất lượng nghệ thuật cao. Giá trị sử dụng của chúng đã biến thành những giá trị về văn hóa tinh thần. Người ta đến nhà hát lớn để có không gian thưởng thức nghệ thuật. Nên chúng ta thường thấy các cột chống đỡ được tận dụng và biến thành những phù điêu, tượng tròn trang trí mang tính nghệ thuật nhiều hơn là chống đỡ trần nhà. Thậm chí vị trí cột và đầu cột, hay tường trang trí có thể xuất hiện bất cứ đâu khi cần nhấn nhá không gian nghệ thuật, mà không vì các quy tắc kết cấu xây dựng. Hình 2.47 là một chi tiết trang trí nghệ thuật của một đầu cột, hình 2.48 là nhà hát kịch Opera Sydney, hình 2.49 là hình ảnh trang trí hoành tráng nội thất một nhà hát lớn. Bản thân nội và ngoại thất của chúng là những công trình nghệ thuật kiến trúc đích thực.

Đỉnh cao của các giá trị nghệ thuật chính là các tác phẩm nghệ thuật, không cần có quá nhiều giá trị kỹ thuật thông thường. Giá trị sử dụng thông thường hầu như không có. Mà gần như 100% của nó là giá trị về hình thức nghệ thuật với sự thể hiện của các loại hình ngôn ngữ nghệ thuật, được sáng tạo theo hệ thống các quy luật và nguyên tắc bố cục một cách khắt khe và chặt chẽ. Trong các tác phẩm nghệ thuật, giá trị sử dụng bình thường bị triệt tiêu, chỉ còn hoàn toàn các giá trị tinh thần bao gồm nội dung và hình thức.

Quan sát trong cuộc sống, ta thấy còn nhiều sản phẩm trong nhiều ngành nghề khác trong xã hội đều có quy luật sắp xếp này. Ví dụ: như sách vở, báo chí, truyện… được sản xuất bằng giấy. Nhìn một tờ giấy có đầy chữ viết, ta thấy chúng hàm chứa đông đặc một lượng thông tin nào đó. Nhưng chúng lại được sản xuất ra với nhiều loại hình thức khác nhau. Nếu là một bản nháp, ta không cần phải trình bày đẹp. Là một bài báo thông thường, chỉ cần chuyển tải một nội dung, một thông điệp, thì hình thức có thể khá hơn. Nhưng khi bắt đầu là một tập truyện ngắn hay truyện dài được để trên kệ sách, thì một đội ngũ chuyên thiết kế mẫu mã, minh họa, vẽ bìa được chú trọng, để cuốn sách ngoài nội dung còn có thêm giá trị hình thức trình bày nghệ thuật.

Vấn đề về nhu cầu ăn mặc của con người cũng tương tự. Quần áo là một sản phẩm có công dụng giữ ấm cho con người, nhưng ngoài công năng sử dụng khoác lên người đó, nó còn có nhiều giá trị về nét đẹp văn hóa. Không những vậy, bộ môn thiết kế thời trang được ra đời để phục vụ về nhu cầu văn hóa đó, và có nhiều loại thời trang để cung cấp các loại sản phẩm có giá trị nghệ thuật từ thấp đến cao…

Cứ theo cách lập luận vậy, ta sẽ suy ra được nhiều sản phẩm khác của con người cần tới sự hỗ trợ của nghệ thuật. Như chén bát, đồ gốm sứ, bàn ghế, tủ giường…Đã qua rồi cái thời chén bát của Bát tràng chỉ có các loại sản phẩm thô mộc… mà nay còn có cả nhiều sản phẩm chén đĩa kiểu có tính mỹ thuật để trưng bày trong phòng khách của một ngôi nhà.

Như vậy nhu cầu được thưởng thức cái đẹp trong xã hội loài người là một đặc tính chung, không cần phải có năng khiếu mới có. Ngay cả một đứa trẻ con cũng biết chọn cái áo mới để mặc. Một bác nông dân cũng có thể thưởng thức một bức tranh phong cảnh đẹp. Một nhà trí thức thành phố cũng có thể xem và hiểu được tranh của Picatso. Nhưng để sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật đó lại là một vấn đề khác. Nó không đơn thuần chỉ cần có lòng ham muốn. Nó còn đòi hỏi cao hơn thế nữa. Tức là một người muốn sáng tác ngoài lòng ham muốn đam mê, cần phải có một sự học hỏi cần cù, có hiểu biết về kỹ thuật chuyên môn, có phương pháp sáng tác. Nhất là phải có năng khiếu thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật chuyên môn. Tức phải có phong cách, luôn luôn sáng tạo và liên tục sáng tạo. Và nhất là phải hiểu và nắm bắt được tường tận những ngôn ngữ cơ bản của chuyên môn nghệ thuật mà mình theo đuổi.

Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu thêm những yếu tố không gian nào tạo nên ngôn ngữ cơ bản của tạo hình điêu khắc. Các tính chất và khả năng biểu cảm của chúng trong không gian máy tính.

Điêu khắc chính là sự sắp xếp khối trong không gian. Nó là sự chiếm chỗ, là thể tích của một chất liệu điêu khắc nào đó được định hình trong một không gian thực. Nhưng theo điêu khắc hiện đại, tất cả những gì bao hàm liên tưởng về tính chất khối cũng là điêu khắc. Ví dụ một cái nồi nấu cơm khi đậy nắp vung, chúng là một khối trụ hoàn chỉnh. Nhưng khi mở nắp vung ra, không còn khối nguyên vẹn nữa, nhưng nó vẫn còn một giá trị khối cũ, với một hình thức khái niệm mới. Lúc này phần phía trong của nồi vẫn còn một giá trị khối trụ nào đó có sự liên tưởng là cái nắp vung vẫn còn đang đậy, đó là khái niệm của khối âm. Vì vậy điêu khắc hiện đại ngày nay ngoài khối dương truyền thống, còn chấp nhận cả khối âm. Hoặc trong một số trường hợp, nó đồng nghĩa với trong ngoài. Một ngôi nhà nhìn từ bên ngoài, và từ bên trong. Một dương bản tượng và một âm bản của cái khuôn đúc. Một mặt phẳng cong hình cầu cho ta phần mặt cong bên trên và bên dưới… rất nhiều ví dụ ta có thể nhận biết các tính chất âm dương của khối tồn tại song song với nhau.

Tính chất triết lý của nó rất rõ nét trong hầu hết mọi lĩnh vực trong vũ trụ và cuộc sống con người. Tính chất âm dương cũng như tỷ lệ vàng, nó tồn tại hết sức khách quan bao trùm mọi lĩnh vực. Nó có tính chất đối nghịch nhau trong chừng mực nào đó. Trong giống loài, nó là đực cái. Trong cơ thể sống, nó là đồng hóa, dị hóa. Trong thiên nhiên nó là trời và đất, ngày và đêm, mặt trăng và mặt trời, nóng và lạnh, cao và thấp, âm khí và dương khí, sông hồ và núi đồi. Trong xã hội con người, nó là cha và mẹ, con trai và con gái, dương trần và âm trần, Sơn Tinh và Thủy Tinh, người âm và người dương…và rất nhiều khái niệm dựa vào tính chất âm dương trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Rõ nhất là trong phong thủy (các bạn có thể tìm kiếm trên internet với từ khóa – khái niệm âm dương trong phong thủy).

Nhưng tất cả đều công nhận một điều là tính chất âm dương có ý nghĩa đối nghịch nhau, xung khắc nhau, nhưng hoàn toàn thống nhất trong một tập hợp chỉnh thể nào đó. Hai mặt âm dương này hòa trộn, âm thầm chuyển hóa, xen kẽ nhau, mâu thuẫn nhau, kết hợp nhau với một mục đích duy nhất – làm chỉnh thể đó sống động, phát triển và tồn tại trong một không thời gian nào đó.

Điêu khắc cũng không ngoại lệ. Các khối âm dương đều có tính chất và ý nghĩa trái ngược nhau, nhưng bổ xung các khiếm khuyết của nhau, nêu rõ ý nghĩa giá trị của nhau, cùng tôn nhau lên. Và cuối cùng là làm cho tác phẩm đạt được tối đa ý nghĩa thông điệp và vẻ đẹp hình thức vốn phải có trong tác phẩm. Khối (phần dương) chiếm chỗ của không gian (âm), thì không gian cũng xâm nhập vào khối, làm cho khối nổi bật hơn. Không gian len lỏi vào trong từng phần khối bố cục, và tạo ra các mảng tối sáng, nhằm làm nền phông cho ý tưởng. Nhấn mạnh khối này thì phải lược bỏ cái kia, nhằm mục đích cho không gian bên ngoài len lỏi vào tận từng chi tiết của khối, và khối chủ đạo càng hiện rõ.

Có thể nói, khối âm dựa vào dương mà biến hóa, khối dương dựa vào khối âm để được tôn cao. Nhưng khi biểu hiện, tức là đi sâu phân biệt để tạo tác, thì chúng hoàn toàn có những tính chất khác nhau rõ ràng. Trong điêu khắc truyền thống, khi thể hiện khối dương, đương nhiên ta đã hàm ý công nhận mặc định một số khối âm đi kèm. Nên tác giả không lo lắng và để ý lắm tới chúng. Ví dụ khi điêu khắc một tượng tròn. Lúc đục đẽo, bỏ đi những phần thừa trên bố cục, tức là đã có không gian chiếm chỗ phần đục bỏ đó. Một khối tượng hoàn thành, đương nhiên là đã có phông nền của không gian làm rõ lên dáng dấp của tượng. Phông nền đó mang tính chất âm làm nhấn rõ sự tương phản của tượng chiếm chỗ chúng. Qua tương phản này, ta nhìn thấy bố cục tượng. Như vậy khi không có không gian, ta sẽ không còn thấy tượng, hay giá trị tượng không còn tồn tại.

Nhưng với nghệ thuật điêu khắc đương đại ngày nay, khi hiểu rõ giá trị của ngôn ngữ khối bao gồm âm dương. Các nhà điêu khắc không bỏ phí đi yếu tố này trong các tác phẩm đương đại của mình. Khối âm được tận dụng triệt để, nó là một thành phần chủ ý có mục đích cấu thành trong tác phẩm, chứ không còn vai trò tự nhiên mặc định nữa.

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị là một điển hình của một bậc cao nhân tự đốt đuốc mà đi trên con đường nghệ thuật. Qua quá trình sáng tác, bà đã mầy mò, tìm hiểu, tự soi sáng mình, và bà đã tìm ra cho mình một con đường đi riêng biệt. Hình 2.50 - là một tác phẩm của bà mang nặng tính triết lý âm dương của nền văn hóa phương Đông. Với bảy tín hiệu thị giác có ngôn ngữ khối do bà tự quy định và sắp xếp chúng theo nguyên tắc cân bằng tĩnh và cân bằng động (hình 2.51). Tác phẩm có cấu trúc bảy modul của bà là một dạng tác phẩm điêu khắc độc đáo, nhằm mô phỏng cuộc sống tinh thần và vật chất trong xã hội loài người. Hiệu ứng của bảy modul đã đẩy các tác phẩm điêu khắc trở thành những ngôn ngữ khối điêu khắc đặc biệt, tạo một đỉnh cao về sự cô đọng súc tích, điển hình và nhiều ý nghĩa nhất trong sáng tác của bà. Với bảy modul này, cuộc sống tinh thần của xã hội con người lần lượt được tái hiện. Tác phẩm loại này ngay từ đầu nghiên cứu đã đề cập, ta thấy chúng hàm chứa nhiều lớp giá trị. Vì bảy modul này là kinh nghiệm thực tại của riêng bà trải nghiệm, nên những lớp giá trị tiềm ẩn phải do chính bà giải mã. Trong tác phẩm của bà hàm chứa rất nhiều những yếu tố bí ẩn, khi xem chúng ta luôn có trong đầu những câu hỏi như tại sao, vì lẽ gì...

 

  

Hình 2.50.

 

Hình 2.51.

 

Cuối cùng chúng ta chỉ biết và thưởng thức được cái đẹp bên ngoài, vẻ đẹp về hình thức, bố cục, độc đáo, mới lạ. Các khối dương và âm chồng chất, hòa quyện với nhau tạo nên một bản trường ca về khối không bao giờ dứt… Công việc giải mã các nội dung tinh thần hàm chứa của các lớp tiềm ẩn là vai trò của các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới, nếu họ đánh giá đúng vai trò và chỗ đứng quan trọng của bà trong nền nghệ thuật điêu khắc của nước nhà. Bởi bà nổi tiếng trên thế giới, có đóng góp nhiều cho nền điêu khắc thế giới, song trong nước, không phải ai cũng biết đến bà.

2.9.2. Hình khối và không gian, với sự sáng tạo trên máy tính.

Trong ngôn ngữ hội họa, do tính chất biểu hiện trên mặt phẳng 2 chiều, nên nó chính là các hình dạng thị giác được tạo bởi đường nét và diện mảng. Ngoài ra còn có yếu tố màu sắc hỗ trợ cho sự biểu cảm đặc trưng ngôn ngữ hội họa. Trong điêu khắc, ngôn ngữ chính là khối trong không gian, và sự biểu cảm của khối. Khối có hai dạng, khối dương và khối âm. Khối lại được cấu thành từ các yếu tố điểm, đường, mặt phẳng, diện. Sự biểu cảm của khối được hỗ trợ thêm của ánh sáng. Đây là đặc trưng của điêu khắc. Màu sắc không đóng vai trò quan trọng trong sự biểu cảm của khối. Có chăng thì chính là màu sắc của chất liệu mới góp phần quan trọng nào đó trong từng trường hợp cụ thể cho sự biểu cảm mang tính nghệ thuật.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là ngôn ngữ và giá trị biểu hiện có tính tín hiệu thị giác của khối. Trong hội họa, ít ai vẽ người da đen bằng sắc màu trắng. Nhưng trong điêu khắc người ta vẫn có thể tạc tượng người da đen bằng các đá hoa cương màu trắng.

Vậy ta định nghĩa khối trong không gian điêu khắc khá dễ dàng. Nó chính là thể tích giới hạn bởi các mặt phẳng hay diện phẳng. Các mặt và diện ở đây bao gồm tất cả các mặt, diện phẳng hay cong. Đây là một khái niệm quan trọng. Trong hình học không gian Euclid, chúng ta đã quen và công nhận một loại khối cơ bản. Các khối được tạo bởi giới hạn các mặt phẳng chứ không phải mặt cong.

 

Hình 2.52.

 

Hình 2.53

 

Chỉ khi hình học Lobachevsky ra đời, mọi khái niệm phi Euclid đã khai sinh thêm nhiều khái niệm mới lạ. Trong nghệ thuật hình như mọi biểu hiện cảm thụ khối có tính tương đồng với hình học không gian của Lobachevsky. Bởi một điều chắc chắn, nếu chỉ nhìn một diện phẳng, ta không thể thấy khối.

 Do mặt phẳng có tính chất không diễn tả tố chất nào của khối. Nó không là khối dương, cũng không phải là khối âm. Mà mang tính chất trung gian. Nhưng cũng mặt phẳng đó ta làm cho nó cong lên, lập tức ta thấy ngay một nội hàm ẩn chứa, vì đã có trên có dưới, có trong có ngoài, có lồi có lõm. Tức đã phát sinh một loạt tính chất biểu hiện khối kèm theo. Hình 2.52 là một mặt phẳng được làm cong đi phức tạp hơn, đương nhiên nó có tính đại diện và liên tưởng nhiều hơn. Đó là mặt cong hình yên ngựa. Như vậy chỉ với một mặt cong đơn giản, đã có chứa  nhiều nội dung biểu hiện trong đó.

Vậy khối được tạo thành từ những mặt cong đó sẽ có giá trị như thế nào, phải chăng chúng có giá trị về nội dung biểu hiện cao hơn. Khi các loại khối này kết hợp, sắp xếp với nhiều dạng khác nhau, nhưng lại tuân theo các quy luật bố cục sáng tác, thì sự phong phú về nội dung biểu hiện hình thức nghệ thuật của chúng thật hết sức đa dạng. Ngoài thực tế, khi sáng tác, có thể các công cụ hỗ trợ như dao, nạo không tạo điều kiện nhiều cho chúng ta thể hiện các loại mặt và khối phức tạp chứa nhiều nội hàm biểu hiện của ngôn ngữ điêu khắc. Nhưng trên máy tính với phần mềm Zbrush, sự sáng tạo là không giới hạn. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, ta cũng đã có thể tạo ra những loại khối nguyên thủy đầy đủ nội dung biểu hiện làm cơ sở cho bất kỳ những những ý tưởng nghệ thuật nào. Các kiểu thể hiện ngôn ngữ khối biểu hiện như hình 2.53 có thể đánh đố với chúng ta ngoài thực tế, nhưng trong Zbrush, chúng được tạo ra khá dễ dàng. Từ khi tạo khối đơn giản tổng thể, tới đẩy sâu chi tiết và hoàn thiện chúng theo ý đồ tác phẩm.

Với nội dung cung cấp một số hệ thống liên tưởng từ hình dạng thị giác sang giá trị biểu hiện. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là những hệ thống tham khảo, mang tính hệ thống kiến thức cá nhân của những kinh nghiệm các bậc nghệ sĩ nổi tiếng đi trước. Giá trị to lớn của chúng là sưu tầm chỉnh lý, hệ thống hóa các hệ thống tín hiệu biểu hiện của nhiều cá nhân nghệ sĩ. Hệ thống kinh nghiệm này đã được trải nghiệm và thu nhiều kết quả thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, biến chúng thành một cơ sở lý thuyết chung cho những người muốn tìm hiểu và bước vào con đường sáng tác nghệ thuật. Qua đó ta có thể tự tin đánh giá được giá trị của các bậc tiền bối. Tránh xa các con đường đã được khai phá, vững bước trên con đường sáng tác riêng biệt của mình.

Mỗi người nghệ sĩ sáng tác có thể dựa vào kiến thức, vốn sống, sự trải nghiệm của mình để xây dựng những hệ thống tín hiệu cho riêng mình như nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã từng làm. Picatso đã tạo tiền đề cho trường phái hội họa Lập thể xuất hiện, với hệ thống tín hiệu thị giác hết sức đặc biệt, độc đáo, chưa từng ai sử dụng trước đó. Từ đó đã tạo ra những giá trị nghệ thuật chuẩn mực cho con đường sáng tạo nghệ thuật của chính ông. Vì vậy mỗi nghệ sĩ dù tự thân hay đứng trên vai kiến thức của người khác, đều phải nỗ lực tìm kiếm con đường, tín hiệu riêng của mình trên con đường nghệ thuật. Nghệ thuật không chấp nhận sự giống nhau, sao chép, ngay cả khi tự lặp lại chính mình của ngày hôm qua. Sách tham khảo là cần thiết, nó giúp chúng ta có kiến thức cơ bản với thời gian ngắn nhất có thể. Nhưng nó cũng dễ làm ta mất phương hướng, ỷ lại, quên đi ý chí phấn đấu sáng tạo. Nếu chúng ta không có bản lĩnh, sẽ dễ quên đi sứ mạng của nghệ thuật là luôn luôn sáng tạo ra những giá trị mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đáng chú ý nhất

Bài thứ #1: Giới thiệu chi tiết cách sử dụng phần mềm Zbrush | Học Zbrush

Đăng ký khoá học Zbrush: Đào tạo nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực Cnc (gỗ và đá), Thiết kế trang sức, In3d, Tạo hình nhân vật, Kiến trú...